Những năm qua, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung luôn chú trọng đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nước bạn Lào. Giữ liên lạc với các cựu lưu học sinh Lào với các bạn Việt Nam, để tạo sự đoàn kết, gắn bó lâu dài giữa các lớp đi trước và các em lưu học sinh sau này, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt-Lào.
Lưu học sinh Lào mạnh dạn trao đổi với cô Võ Thị Thanh Thảo về những kiến thức trong học tập và đời sống. |
Thongkhamsouk Koungthong, trú tại tỉnh Champasak, Lào hiện là sinh viên năm 4, chuyên ngành công nghệ-thông tin của Phân hiệu đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Sinh ra trong gia đình làm nông nên tuổi thơ Koungthong phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ. Qua tìm hiểu về môi trường học tập tại Việt Nam từ các lớp anh chị đi trước, bằng sự nỗ lực của mình, em đã đủ điều kiện để sang Việt Nam học tập vào năm 2018.
Hai tay thoăn thoắt gõ những câu lệnh trên máy tính, trong ánh mắt toát lên sự tự tin với kiến thức học tập được tại Việt Nam về bộ môn mình yêu thích, Thongkhamsouk Koungthong chia sẻ, môi trường học tập tại Việt Nam rất tốt, thầy, cô và bạn bè đều thân thiện, tận tình giúp đỡ em trong quá trình học.
Nhà trường cũng trang bị cho học sinh nhiều kỹ năng cần thiết để xin và làm việc sau này. Trước mắt, Thongkhamsouk Koungthong đặt ra mục tiêu học tập tốt để mai sau trở về cống hiến cho quê hương. Còn sau này, nếu có điều kiện, Thongkhamsouk Koungthong hy vọng sẽ được làm việc tại Việt Nam để tiếp tục học chuyên sâu về ngành Công nghệ thông tin.
Phân hiệu đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đang có hơn 160 sinh viên Lào theo học, thuộc các chuyên ngành như luật, tài chính, quản trị kinh doanh, kế toán…
Cô Võ Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng công tác học sinh, sinh viên (Phân hiệu đại học Đà Nẵng tại Kon Tum) cho biết, hầu hết các lưu học sinh đang học tại trường đều thuộc các dạng học bổng do tỉnh Kon Tum, Gia Lai, phân hiệu tài trợ và một số khác theo dạng tự túc. Trong đó, dạng học bổng của tỉnh Kon Tum, Gia Lai sẽ hỗ trợ 100% cho các lưu học sinh, kể cả chi phí sinh hoạt; học bổng của phân hiệu sẽ hỗ trợ 50% chi phí, các em chỉ phải đóng một phần tiền ký túc xá để ở.
Đối với hầu hết lưu học sinh Lào tại Việt Nam, rào cản lớn nhất đối với các em chính là ngôn ngữ cộng với việc phải làm quen môi trường sống mới làm cho khó khăn dường như tăng lên gấp bội. Để giải quyết vấn đề này, nhà trường đã bố trí các em ở cùng ký túc xá với các bạn Việt Nam để thuận tiện trong việc giao tiếp, học tập.
Phimthisan Soukkasan, trú tỉnh Saravane, Lào, sinh viên năm 3 chuyên ngành luật-kinh tế cho biết, việc ở chung ký túc xá đã giúp các bạn có môi trường để giao lưu, học hỏi với các bạn Việt Nam, sớm nắm bắt, làm quen những nét văn hóa và con người nơi đây. Nhà trường còn dành riêng một năm để lưu học sinh học tập tiếng Việt; từ đó, tạo tiền đề để các bạn dễ dàng tiếp cận được những giáo trình và bài giảng sau này, hướng tới đạt kết quả tốt trong học tập.
Còn với nữ sinh viên Vongkhamlar Thipphada, trú tỉnh Saravane, Lào, sau một năm học tiếng Việt, em đã đăng ký ra ngoài làm thêm tại các quán, vừa để có thêm thu nhập, vừa trau dồi kiến thức, sự hiểu biết về tiếng Việt.
Thời gian đầu, nghe chưa tốt nên em đã gọi nhiều món sai với yêu cầu của khách. Thế nhưng điều làm em vui nhất là, khi biết em là lưu học sinh Lào qua thì các cô chú, anh chị khách hàng đều vui vẻ chấp nhận những món em đã gọi nhầm, còn chỉ bảo thêm cho em về tiếng Việt.
Theo cô Võ Thị Thanh Thảo, đội ngũ giảng viên của Phân hiệu đại học Đà Nẵng tại Kon Tum luôn tạo mọi điều kiện để các em lưu học sinh Lào cảm thấy thoải mái trong quá trình học tập. Các em cũng mạnh dạn đặt câu hỏi, trao đổi thẳng thắn với giáo viên về nội dung bài học.
Bên cạnh đó, nhà trường sử dụng mạng xã hội để thành lập một nhóm, kết nối các lưu học sinh cũ và mới để các em tự do chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, trao đổi kinh nghiệm học tập với nhau. Các lưu học sinh cũ chia sẻ với thầy cô về công việc, môi trường làm việc tại Lào, giới thiệu cho các thế hệ đi sau về môi trường học tập tại Việt Nam hay là có bất cứ thắc mắc gì về học tập, kiến thức thì đặt câu hỏi, các thầy cô để giải đáp tận tình cho các em.
Kết quả cho thấy, thành tích học tập của các em lưu học sinh Lào đa phần ở mức khá, giỏi; nhiều em thể hiện được tố chất đặc biệt bằng cách đạt điểm cao ở các môn chuyên ngành.
Buổi lễ chào cờ tại cột mốc 3 biên Việt Nam-Lào-Campuchia tại xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. |
Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, nhiều em lưu học sinh Lào đã không thể về thăm nhà. Đội ngũ giảng viên Phân hiệu đại học Đà Nẵng tại Kon Tum như trở thành người cha, người mẹ để lắng nghe, động viên các em. Để giúp các em vơi đi nỗi nhớ nhà, nhà trường thường tổ chức lễ đón Tết Cổ truyền Bunpimay (Lào) và Tết Chol Chnam Thmay (Campuchia) để các em lưu học sinh có dịp giới thiệu nét văn hóa Tết Cổ truyền của mình tới sinh viên đang học tập tại trường nói riêng và người dân tỉnh Kon Tum nói chung.
Vongkhamlar Thipphada chia sẻ, học tập ở một nơi xa nhưng không có người thân, bạn bè là việc rất khó khăn, nhất là với một học sinh nữ như em. Tuy nhiên, các thầy cô và bạn bè tại Việt Nam đều rất thân thiện, hòa đồng như cách mọi người quây quần bên nhau thực hiện nghi lễ cúng Giao thừa, buộc chỉ tay và cùng múa Lăm Vong.
Việc này mang lại cho em cảm giác ấm cúng như đang được sống chung trong một gia đình. Khi về nước, em luôn kể về cuộc sống cũng như môi trường học tập của em tại Việt Nam để cho các em nhỏ phấn đấu học tập với mục tiêu được là lưu học sinh Lào tại Việt Nam.
Với việc tạo mọi điều kiện tốt nhất, chăm lo đến đời sống vật chất lẫn tinh thần cho các em lưu học sinh, chú trọng trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nước bạn Lào, Phân hiệu đại học Đà Nẵng tại Kon Tum nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung góp phần vun đắp cho mối quan hệ anh em, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào ngày càng gắn bó thắm thiết. Từ đó, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước và hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.