Hôm 30/6, nghị trường Quốc hội Lào sôi nổi khi thảo luận về các quy định, quyền hạn của cơ quan lập pháp cao nhất trong việc bổ nhiệm, điều chỉnh nhân sự cấp cao trong Chính phủ cũng như cơ cấu của các cơ quan nhà nước.
Ngày họp hôm qua thuộc khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Lào, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Quốc hội sửa đổi, Dự thảo Luật Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Theo nội dung Luật Quốc hội hiện hành, đây là cơ quan có quyền lực cao nhất trong việc bầu và bãi nhiễm các chức vụ lãnh đạo nhà nước bao gồm Chủ tịch, phó chủ tịch nước, Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành Chính phủ.
Ngoài ra, việc xem xét và phê chuẩn cơ cấu tổ chức của cơ quan nhà nước, Chính phủ hoặc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm, ra quyết định bãi nhiệm cán bộ cũng thuộc quyền hạn của Quốc hội Lào. Các quyền hạn tương tự ở cấp tỉnh cũng thuộc về Hội đồng nhân dân tỉnh.
Nội dung sửa đổi tại Dự thảo Luật Quốc hội bao gồm việc quy định quyền của Ủy ban thường vụ trong việc xem xét và phê chuẩn việc bổ nhiệm, điều chuyển và miễn nhiệm các vị trí nhân sự cấp cao trong bộ máy Chính phủ trong trường hợp đặc biệt và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp thường kỳ tiếp theo.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Lào Somphanh Phengkhammy, người chủ trì ngày họp hôm qua, cho biết việc trao quyền cho Quốc hội trong việc điều chỉnh nhân sự cấp cao thuộc bộ máy Nhà nước trong trường hợp khẩn cấp là cần thiết thay vì phải đưa ra thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội 6 tháng một lần.
Trên thực tế, một số trường hợp điều chuyển, bổ nhiệm nhân sự cấp cao cũng được thực hiện trước khi báo cáo tại phiên họp thường kỳ của Quốc hội trong trường hợp cấp thiết. Gần nhất là việc nguyên Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán, Tài chính và Kế hoạch Quốc hội Vilayvong Bouddakham được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Champasak, thay thế cho người tiền nhiệm nhận quyết định nghỉ hưu.
Tại nghị trường, việc trao quyền hạn cho Ban thường vụ Quốc hội nói trên đã nhận được sự ủng hộ của đa số đại biểu. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm, bãi nhiệm chức vụ cao nhất của nhà nước, bao gồm Chủ tịch nước, phó Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội vẫn thuộc quyền hạn của Quốc hội Lào, theo nội dung dự Luật mới.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Champasak cũng đã đề xuất việc bổ sung thêm các chức vụ Chánh án tối cao, Viện trưởng Kiểm sát tối cao vào nhóm các nhân sự cấp cao dưới quyền hạn của Quốc hội Lào.
Một số ý kiến cũng đề xuất bổ sung quy định ngừng tư cách đại biểu Quốc hội của cá nhân không đảm bảo tình trạng sức khỏe hoặc được xác nhận là trong điều kiện không phù hợp hoặc là người đang làm việc ở nước ngoài, học tập trong nước hoặc nước ngoài có thời gian từ 3 năm trở lên.
Tổng hợp