Trong những năm gần đây, Chính phủ Lào đã thể hiện quyết tâm trong việc giải quyết tham nhũng bằng cách thông qua một loạt đạo luật và quy định về chống rửa tiền, nhằm bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh Luật Chống tham nhũng có từ trước đó, mới đây, Lào đã thông qua Luật Chống rửa tiền và chống tài trợ của khủng bố (2014, và có hiệu lực vào năm 2015). Chính phủ cũng đã thông qua Quy định về Nhận biết đối tác và đối tác tiền khả thi (2016), được xây dựng trên Luật Chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Quyết định về việc báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố (2015) là một minh chứng nữa về những nỗ lực của Chính phủ Lào nhằm dập tắt tham nhũng trong nước.
Tổng quan về khung pháp lý chống tham nhũng
Kể từ khi được bầu làm Thủ tướng Lào vào tháng 4.2016, ông Thongloun Sisoulith (hiện là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và là Chủ tịch Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm quản lý đất nước một cách hiệu quả nhất. Một trong số đó là Nghị định về phòng chống tham nhũng, căn bệnh “mãn tính” từng tồn tại nhiều năm nay tại Lào. Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Thanh tra Nhà nước Lào đều cho rằng, cán bộ làm công tác thanh – kiểm tra ở mọi cấp cần phải làm việc thật nghiêm túc, quyết tâm và thường xuyên liên tục nhằm ngăn chặn tình trạng cán bộ, đảng viên làm việc tắc trách, gây thất thoát tài sản quốc gia.
Ông Thongloun Sisoulith (khi là Thủ tướng Lào) đã tổ chức đấu giá công khai các phương tiện của các lãnh đạo Đảng, một số trong đó được bán với giá hàng trăm nghìn đô la. Năm 2018, ông đã sa thải hai thống đốc tỉnh – một người từ Attapeu và một người từ Xieng Khouang – sau khi họ bị buộc tội trục lợi từ buôn bán gỗ. Đây là những vụ việc sa thải cán bộ cao cấp, hiếm khi xảy ra trong quá khứ.
Vào ngày 10.12.2003, Lào đã ký Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng và được phê chuẩn ngày 25.9.2009. Lào cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo với các chuyên gia của Liên Hợp Quốc nhằm tham khảo những kinh nghiệm cũng như ý kiến về các vấn đề chống tham nhũng.
Khung pháp lý về chống tham nhũng ở Lào gồm: Luật Hình sự số 142/PO (ngày 9.11.2005); Luật Chống tham nhũng số 27 (2012); Luật Tố tụng hình sự số 17/NA (ngày 10.7.2012); Nghị định về Tuyên bố tài sản số 159 (ngày 4.6.2013); Luật Chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố số 50/NA (ngày 21.7.2014).
Luật Chống tham nhũng
Một trong những công cụ đắc lực nhất trong hành lang pháp lý phục vụ cho cuộc chiến chống tham nhũng là Luật Chống tham nhũng. Luật hiện hành điều chỉnh các hành vi sau đây: tham ô tài sản nhà nước hoặc tài sản tập thể; vứt bỏ tài sản của Nhà nước hoặc tài sản tập thể; hối lộ; nhận hối lộ; lạm dụng địa vị, quyền hạn và nghĩa vụ để lấy tài sản của Nhà nước, tài sản tập thể hoặc tài sản cá nhân; lạm dụng tài sản nhà nước hoặc tài sản tập thể; sử dụng quá nhiều vị trí, quyền hạn và nghĩa vụ để lấy tài sản Nhà nước, tài sản tập thể hoặc tài sản cá nhân; gian lận hoặc giả mạo liên quan đến kỹ thuật xây dựng, tiêu chuẩn, thiết kế, tính toán và những người khác; lừa dối trong đấu thầu; giả mạo tài liệu hoặc sử dụng tài liệu giả mạo và tiết lộ bí mật Nhà nước vì lợi ích cá nhân.
Theo Luật Chống tham nhũng của Lào, tham nhũng xảy ra khi công chức, viên chức tham gia vào bất kỳ hành vi nào nói trên để tư lợi cho bản thân, hoặc gia đình, họ hàng, bạn bè, gia tộc… gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và xã hội, hoặc quyền và lợi ích của công dân.
Liên quan đến chống tham nhũng, Luật Hình sự cũng quy định rằng tham nhũng liên quan đến bất kỳ nhà lãnh đạo hoặc công chức, viên chức nhà nước thực hiện các loại hành vi khác nhau để mang lại lợi ích cho bản thân, hoặc gia đình, họ hàng, bạn bè, gây thiệt hại cho lợi ích chung của Nhà nước, hoặc tập thể, hoặc quyền và lợi ích của công dân.
Yêu cầu về việc một hành vi tham nhũng phải gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, hoặc quyền và lợi ích của công dân, là một trở ngại thực sự trong công tác thực thi pháp luật. Điều này đã được ghi nhận trong Báo cáo đánh giá quốc gia chống tham nhũng của Công ước Liên Hợp Quốc năm 2012, khuyến cáo rằng các nhà chức trách Lào nên loại bỏ yêu cầu này khỏi Luật Chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật Chống tham nhũng trong năm 2012 đã không tính đến khuyến cáo này của Liên Hợp Quốc.
Các biện pháp trừng phạt đối với tham nhũng thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Trong trường hợp hành vi tham nhũng gây thiệt hại với số tiền không vượt quá 5 triệu kip Lào, nếu người phạm tội sẵn sàng báo cáo hành vi sai trái của chính mình và trả lại tài sản, họ sẽ chỉ phải đối mặt với các biện pháp giáo dục và cảnh báo. Tuy nhiên, hình phạt này sẽ khác nếu người vi phạm cố gắng tìm mọi biện pháp nhằm thoát tội. Trong trường hợp này, người vi phạm sẽ bị đình chỉ, hoặc cắt tăng lương, thưởng, giáng chức, thậm chí là bị sa thải. Trong khi đó, nhân viên hoặc nhân viên của khu vực tư nhân bị kết tội vi phạm sẽ chỉ bị khiển trách, bồi thường và phạt tiền 1% giá trị thiệt hại gây ra. Tuy nhiên, đối với các hành vi phạm tội gây thiệt hại trên 5 triệu kip Lào, người phạm tội sẽ bị phạt tiền và có thể bị phạt tù.
Quy định về kê khai tài sản
Trong năm 2012, khi báo cáo chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc được công bố, mặc dù theo Luật Chống tham nhũng, khi bất kỳ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nào “giàu có bất thường” thì khả năng tiến hành một cuộc điều tra là điều hoàn toàn có thể xảy ra, tuy nhiên việc khai báo thu nhập hoặc tài sản cho công chức, viên chức vào thời điểm bấy giờ không bị bắt buộc. Trước thực trạng trên, nhằm thực hiện triệt để công tác phòng chống tham nhũng, Chính phủ Lào đã yêu cầu tất cả cán bộ nhà nước phải tiến hành kê khai tài sản. Tuy nhiên, những nội dung kê khai không được công khai, do đó Chính phủ vẫn có quyền quyết định có truy tố những người vi phạm tiềm năng hay không. Vào giữa tháng 1.2017, tại Lào, hơn 1.900 cán bộ, công chức ở trung ương, 98.000 người dưới sự giám sát của các bộ, và 142.000 cán bộ, công chức thuộc chính quyền tỉnh, đã tiến hành kê khai tài sản, thu nhập.
Không có số liệu thống kê chính thức về các vụ việc tham nhũng được phanh phui, bởi vì cần được sự chấp thuận của các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, theo cơ quan kiểm tra của Ủy ban Trung ương Đảng Lào, các vụ việc tham nhũng trong 5 năm (2012 – 2017) liên quan đến các khoản thanh toán tổng cộng hơn 4.807 tỷ Kip (khoảng 13 nghìn tỷ đồng), và 734 quan chức đã được phát hiện có liên quan. Từ năm 2011 đến năm 2015, 130 cảnh sát ở tỉnh Oudomxay đã bị sa thải vì đã nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực… Bên cạnh đó, với nỗ lực ngăn chặn nạn rửa tiền, Chính phủ Lào đã ban hành Luật Chống rửa tiền cho phép các ngân hàng kiểm tra và báo cáo các giao dịch đáng ngờ. Phạm vi của luật bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, không phân biệt khu vực tư nhân hoặc Nhà nước.
Những cải thiện lớn trong khuôn khổ pháp lý bao gồm: Ban hành Quyết định số 13, ngày 19.10.2015 về Báo cáo Giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố, cùng với Khuyến nghị số 42, ngày 12.1.2016; và Quyết định số 1, ngày 15.1.2016, về việc nhận biết đối tác và đối tác tiền khả thi đã góp phần làm rõ và bảo đảm hiệu quả của Luật Chống rửa tiền… là những thành tựu nổi bật của Lào trong những nỗ lực phòng, chống tham nhũng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Những năm trở lại đây, cam kết của chính phủ Lào về chống tham nhũng đã được ghi nhận. Trước sự tăng hạng về Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Lào đang cho thấy sự quyết tâm trong việc thực thi cam kết của mình. Việc thoát khỏi nhóm các quốc gia tham nhũng nhất thế giới chắc chắn là một tín hiệu tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Lào. Mặc dù khung pháp lý về phòng, chống tham nhũng ngày càng trở nên vững chắc hơn, tuy nhiên, Lào vẫn cần nhiều thời gian hơn để xác định tính hiệu quả của các biện pháp thực thi trong thực tế.
Luật pháp quốc tế về chống tham nhũng tại LàoNgoài khuôn khổ pháp lý về chống tham nhũng của Lào, việc nắm rõ các khuôn khổ pháp lý về chống tham nhũng của một số nước áp dụng trên lãnh thổ nước ngoài, trong đó có lãnh thổ Lào cũng rất quan trọng đối với những nhà điều hành doanh nghiệp tại Lào.
Đầu tiên phải kể đến là Đạo luật Chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ (FCPA). Được chính phủ Mỹ thông qua vào năm 1977, đạo luật này nghiêm cấm các hành vi hối lộ của các doanh nghiệp cho các cơ quan, tổ chức nước ngoài vì mục đích kinh doanh. Đạo luật FCPA được ban hành khi có tới hơn 400 doanh nghiệp Mỹ thừa nhận đã đưa hối lộ cho các quan chức Chính phủ và chính trị gia nước ngoài. Đạo luật FCPA được củng cố vào năm 1998 với những điều khoản bổ sung về chống tham nhũng đối với các doanh nghiệp và nhà quản lý nước ngoài tiếp tay cho các hành vi tham nhũng khi đang hoạt động kinh doanh trên đất Mỹ.
Đối tượng áp dụng Đạo luật cụ thể là: các công ty có chứng khoán niêm yết trên Ủy ban giao dịch chứng khoán tại Mỹ; pháp nhân hoặc những người có địa điểm kinh doanh chính tại Mỹ; và bất kỳ người hoặc tổ chức nước ngoài nào bị nghi ngờ tham gia hối lộ trên lãnh thổ Mỹ. FCPA không chỉ áp dụng trong lãnh thổ Mỹ mà còn áp dụng đối với những hành vi phạm tội hoạt động ngoài nước Mỹ. Do các luật lệ này không bị xử phạt bởi luật pháp ở Lào, các công ty nước ngoài tại Lào có thể dễ dàng rơi vào phạm vi của FCPA.
Thứ hai là Đạo luật Chống hối lộ của Vương quốc Anh. Đạo luật này buộc các tổ chức thương mại có trụ sở tại Anh phải chịu trách nhiệm theo pháp luật của Anh để ngăn ngừa hành vi hối lộ thường được thực hiện thông qua các công ty con, kể cả ở Anh và ở các nước khác mà tổ chức này hoạt động. Lãnh đạo công ty phải chịu trách nhiệm về hành động của nhân viên của họ và bất cứ ai đại diện cho họ trong và ngoài nước. Đạo luật này cũng quy định hành vi hối lộ của các quan chức ở nước ngoài, chấm dứt việc miễn trừ hối lộ từng được áp dụng cho lực lượng vũ trang của Anh và các dịch vụ an ninh. Không giống như FCPA, Đạo luật Chống hối lộ của Vương quốc Anh không phân biệt giữa các khoản thanh toán hối lộ nhỏ và lớn, nghĩa là các khoản thanh toán nhằm tạo lợi thế trong kinh doanh đều bị cấm.