Mỗi năm 2 đợt kiểm tra, đoàn liên ngành Công an-Công thương tại các tỉnh của Lào siết chặt quản lý người lao động nước ngoài hoạt động trái phép, nhiều người lao động thời vụ Việt Nam đã phải trở về nước vì không đủ giấy tờ pháp lý.
“Chúng tôi cũng không mong muốn phải làm việc này, chúng ta cũng cùng là con người có đôi mắt đen”, một cán bộ chức năng từng nói trong một đợt lập biên bản người lao động nước ngoài trái phép tại Vientiane. Đó là một thành ngữ của Lào, trong quan niệm của người Lào, cùng là con người có đôi mắt đen khi nhìn thấy nhau, không ai có ý định làm khó nhau, nhưng quy định thì phải chấp hành.
Trung tuần tháng 10 vừa qua, 29 lao động Việt Nam tại thị trấn Laksao, tỉnh Bolikhamxay cầm trên tay biên bản của chính quyền, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày 08/10, họ phải về nước nếu không muốn bị đưa vào sổ đen, một lựa chọn tiến thoái lưỡng nan.
Như những trường hợp lao động Việt Nam khác, 29 người bị Ban quản lý vấn đề người nước ngoài cấp tỉnh cáo buộc đã tái phạm nhiều lần quy định về lao động trái phép tại Lào.
Biên bản dài một trang giấy cho biết cơ quan chức năng đã tạo điều kiện nhiều lần và cấp thẻ xác minh danh tính cho các lao động Việt Nam. Tuy nhiên các trường hợp này đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản chi phí cần thiết theo quy định. Sau nhiều lần cảnh cáo, công an Lào yêu cầu những người này về nước trong vòng 7 ngày nếu không muốn bị áp dụng hình thức trục xuất, biên bản chỉ rõ.
Theo thông tin từ hội Việt Lào, mới đây, một số lao động khác ở tỉnh Khammuan, miền Trung Lào, cũng bị lập biên bản tương tự, mỗi người bị lập biên bản cũng phải nộp phạt số tiền 170 USD.
Nhiều năm trở lại đây, mặc dù không thể phủ nhận đóng góp đáng kể của lực lượng lao động di cư, cơ quan chức năng Lào liên tục mạnh tay với các lao động bất hợp pháp tại nước này, được ước tính lên đến hơn 40 nghìn người được xác minh danh tính nhưng chủ yếu không có đầy đủ giấy tờ hợp pháp.
Theo khảo sát của Hội Việt Lào, tại các thành phố lớn của Lào, đã vắng bóng từ 30-40% lao động Việt Nam do kết quả của các cuộc thanh tra bởi lực lượng liên ngành. Chiến dịch của Chính phủ Lào về siết chặt quản lý lao động nước ngoài bắt đầu mạnh mẽ ở Vientiane và giờ đây, ở Khammuan, Bolykhamxay, Luangprabang, Sekong, tin tức về lao động Việt Nam bị yêu cầu về nước xuất hiện ngày càng nhiều.
Tiềm năng cho lao động Việt tại Lào là rất lớn nhưng một thực trạng khá nhức nhối đang diễn ra trên đất Lào cũng lớn không kém. Đó là lao động tự do, không giấy phép vẫn ồ ạt sang Lào bằng đường phi chính thức, tự phát. Đây chính là rủi ro lớn nhất mà lao động Việt đối mặt khi làm việc không hợp pháp tại Lào. Việc không có bất cứ giấy tờ pháp lý nào và cũng không có có sở pháp lý để chứng nhận cho các lao động đang làm những công việc mà Chính phủ Lào bảo vệ cho công dân nước mình. Lao động tự do Việt Nam tại Lào biết có ngày họ sẽ phải về nước, nhưng vì mưu sinh, được ngày nào hay ngày đấy.
Theo quy định, nếu muốn làm việc, lao động hợp pháp, có thời hạn tại Lào bắt buộc phải có hợp đồng lao động ký với chủ sử dụng lao động Lào hoặc nhà đầu tư hợp pháp của Việt Nam hoặc nước khác đầu tư tại Lào (nhà đầu tư này được phép tuyển dụng lao động nước ngoài) để nhận được 1 suất Quota lao động hợp pháp. Sau khi được chấp thuận, người lao động Việt Nam sang Lào phải làm các thủ tục: Xin cấp thẻ lao động tại sở lao động cấp tỉnh nơi người lao động làm việc, lệ phí 125 USD cho thời hạn 1 năm. Xin cấp thẻ tạm trú tại công an cấp tỉnh, lệ phí 115 USD cho thời hạn 12 tháng.
Theo định hướng phát triển của Lào, Chính phủ nước này tuyên bố lực lượng 550.000 lao động nội địa sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền Kinh tế đổi mới, họ cần được đào tạo và có vị trí làm việc xứng đáng. Với các động thái mạnh mẽ gần đây, việc người lao động phổ thông nước ngoài chưa có giấy phép lao động hợp lệ, bao gồm cả Việt Nam, sẽ còn nhiều lo lắng.
Theo Hội Việt Lào