Phần II: Chủ trương, chính sách của Lào để thu hút đầu tư trong tương lai
Điều chỉnh một số quy định dưới luật thuộc phạm vi Bộ Luật Khuyến khích đầu tư (bản sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2016 như: Ban hành Nghị định 05/PM thành lập Ủy ban khuyến khích và quản lý đầu tư các cấp từ TW đến địa phương; ban hành quyết định số 0002/BOI về cơ chế hoạt động của Văn phòng đầu tư một cửa; ban hành Nghị định về Đặc khu kinh tế số 188/GM và Chỉ thị 02/PM về điều chỉnh quy định và cơ chế điều phối kinh doanh tại CHDCND Lào nhằm tạo thuận lợi, tinh giảm thủ tục, tăng tốc độ, tính minh bạch và tính công bằng, bình đẳng. Đồng thời, Chính phủ Lào cũng đang điều chỉnh Nghị định về hợp tác công-tư PPP và Văn bản giới thiệu về việc áp dụng chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực thuế quan và VAT đối với việc nhập khẩu của doanh nghiệp.
Ban hành Bộ Luật Khuyến khích đầu tư (bản sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2016 cơ bản đã tạo điều kiện tốt hơn cho môi trường đầu tư thông qua việc điều chỉnh các cơ chế cấp phép đầu tư thông qua việc thành lập Ủy ban Khuyến khích và quản lý đầu tư các cấp; áp dụng cơ chế đầu tư một cửa để dễ thực hiện công tác kiểm toán, giải quyết các vướng mắc tồn đọng hiệu quả hơn trước, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vốn đầu vào. Theo đó, các lĩnh vực kinh doanh thuộc phạm vi chính sách khuyến khích đầu tư theo Luật định của Chính phủ Lào gồm có:
- Lĩnh vực kinh doanh sử dụng công nghệ cao, hiện đại; lĩnh vực nghiên cứu khoa học; nghiên cứu và phát triển, áp dụng các đổi mới thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng;
- Lĩnh vực nông nghiệp sạch; sản xuất hữu cơ; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi; canh tác cây công nghiệp; phát triển lâm nghiệp; bảo vệ môi trường và hệ sinh thái; các hoạt động phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo;
- Lĩnh vực sản xuất, cung cấp lương thực; công nghiệp chế biến nông sản thân thiện môi trường; tiểu thủ công nghiệp truyền thống;
- Lĩnh vực phát triển du lịch tự nhiên, lịch sử và văn hóa theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường;
- Lĩnh vực giáo dục, thể dục-thể thao; phát triển tài nguyên con người và tay nghề lao động dưới hình thức trung tâm, cơ sở dạy nghề; sản xuất trang thiết bị văn phòng phẩm, phục vụ giáo dục và thể thao;
- Lĩnh vực bệnh viện; sản xuất dược, vật tư y tế; sản xuất dược phẩm và điều trị y tế bằng y học cổ truyền;
- Phát triển hạ tầng công cộng;
- Ngân hàng chính sách và trung tâm tài chính vi mô;
- Trung tâm thương mại hiện đại, khuyến khích thương mại hóa sản phẩm nội địa và các thương hiệu nổi tiếng quốc tế;
Trong 9 lĩnh vực nêu trên, Chính phủ còn áp dụng một số chính sách ưu đãi đặc biệt về miễn trừ hải quan và thuế thu nhập theo các điều kiện được quy định trong Luật Khuyến khích đầu tư, đơn cử như lĩnh vực nhập khẩu các thiết bị không/chưa có tại Lào làm tài sản cố định tại Lào; sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thiết bị, máy móc cơ khí phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất… sẽ được miền trừ hải quan và hưởng mức thuế VAT 0%.
Ngoài ra, một số chính sách đáng chú ý khác bao gồm: chính sách khuyến khích tăng cường hiệu năng, công nghệ và đổi mới; chính sách khuyến khích tiếp cận vốn cho doanh nghiệp siêu nhỏ; chính sách khuyến khích tiếp cận dịch vụ tư vấn phát triển doanh nghiệp; chính sách tiếp cận và mở rộng thị trường; chính sách xây dựng và phát triển doanh nghiệp, tay nghề lao động; chính sách xây dựng môi trường thuận lợi cho khởi sự và tiến hành kinh doanh; chính sách thuế quan và phí dịch vụ…
Lĩnh vực phát triển tài nguyên con người: Chính phủ Lào chủ trương tập trung phát triển nguồn nhân lực trong nước, trở thành lực lượng lao động chất lượng, có tay nghề và trình độ chuyên môn cao thông qua việc mở rộng hệ thống đào tạo của Đại học Quốc gia Lào, tăng thêm các chương trình đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ và Cử nhân ở nhiều ngành. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển các cơ sở đào tạo nghề và trung tâm phát triển tay nghề để đáp ứng đủ nguồn lao động chất lượng cho nhà đầu tư tại Lào.
Đầu tư tại đặc khu kinh tế: Sau khi Nghị định 188/GM bắt đầu có hiệu lực vào tháng 6/2018, Chính phủ Lào tiếp tục chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng các đặc khu kinh tế và củng cố cơ chế thông thoáng nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Trích phát biểu của ông Khamphoi Keokinnaly – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó chủ tịch Uỷ ban hợp tác Lào – Việt Nam tại buổi tọa đàm chủ đề “Thực trạng, triển vọng kinh tế Lào và những tác động đến doanh nghiệp Việt Nam tại Lào” do Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào tổ chức tháng 10 năm 2019.
Nguồn: Tổng hợp