Mới đây, chính quyền tỉnh Champasak gửi thông cáo báo chí về việc mời các cá nhân, tổ chức, nhà máy, xưởng chế biến gỗ tham gia đấu giá hàng nghìn mét khối gỗ lậu mà tỉnh này bắt giữ được trong thời gian vừa qua.
Theo thông tin từ ban tổ chức đấu giá gỗ lậu tỉnh Champasak cho biết, 5.179 hộp gỗ với tổng 528.852 mét khối sẽ được đấu giá công khai, giá hồ sơ tham gia đấu thầu là 1 triệu Kíp.
Thời gian đăng ký dự đấu thầu tính từ ngày 25/9-9/10/2019 trước khi lễ đấu thầu chính thức diễn ra vào 9h30 sáng ngày 10/10, thông báo của Sở Công thương tỉnh Champasak ghi rõ.
Tháng 8/2018, Champasak cũng thực hiện một cuộc đấu giá tương tự với hàng trăm hộp gỗ được bán công khai. Tháng 5 vừa qua, tỉnh Attapeu cũng tổ chức đấu giá tổng số 88.639 mét khối gỗ lậu dạng hộp, khúc và gỗ tròn mà cơ quan chức năng đã thu giữ được.
Tình hình gỗ lậu tại Lào lắng xuống sau các cuộc đàn áp mạnh tay sau khi Chỉ thị 15/PM của Thủ tướng Thongloun Sisulith được ban hành.
Theo Hiệp hội đồ gỗ Lào, sau khi ngành gỗ được chấn chỉnh, các doanh nghiệp gỗ nước này phải vật lộn với hàng loạt quy định khắt khe về kích thước gỗ xuất khẩu đươc Chính phủ ban hành cùng với quy mô sản xuất hạn chế khiến họ không thể đáp ứng sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Các quy định chặt chẽ để hạn chế gỗ lậu đi ra khỏi biên giới vô hình trung đã trở thành thách thức lớn đối với các nhà sản xuất và kinh doanh đồ gỗ của Lào. Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội đồ gỗ Lào, đại diện cho ngành gỗ trên cả nước đã nhiều lần kêu gọi Chính phủ nới lỏng các quy định để giúp doanh nghiệp có khả năng phát triển.
Ngày 1/8 vừa qua, Chính phủ Lào bắt đầu có những động thái đầu tiên để giảm bớt tình trạng ngột ngạt của thị trường gỗ trong nước bằng cách sửa đổi quy định danh mục sản phẩm gỗ thành phẩm có thể xuất khẩu theo 3 nhóm chính bao gồm sản phẩm gỗ trồng, sản phẩm gỗ tự nhiên và sản phẩm mây, tre đan.
Tổng hợp