Lễ hội kỷ niệm Đức Phạ Vệt. Còn gọi là bun Mạ hả xạt. Đây là lễ hội nghe các nhà sư thệt (đọc) truyện Phạ Vệt, đại kiếp, hay là kiếp mà đức Phạ Vệt sắp thành Phật bằng 1.000 khổ thơ.
Lễ hội này không chỉ làm trong một bản mà là liên bản. Bản đăng cai sẽ có giấy mời các nhà sư ở các chùa bản lân cận về dự hội. Đồng thời, họ sẽ giữ vai trò là chủ đón tiếp các nhà sư ở các nơi khác về dự lễ hội này. Tại chùa bản đăng cai có đủ các loại cờ: cờ lễ hội, cờ trang trí, cờ chiến thắng… có các loại hoa được tết thành đọt như tháp, nến các loại, v.v…
Truyện Phạ Vệt có đến 13 đoạn kể về cuộc đời của đức Phạ Vệt từ khi làm vua một vương quốc, đã có vợ và hai con: một trai, một gái. Nhưng Phạ Vệt với lòng từ bi hỷ xả đã bố thí con voi trắng được coi là biểu tượng của vương quốc rồi bị đuổi khỏi vương quốc, phải đưa cả gia đình vào rừng tu. Phạ Vệt ngày càng tỏ rõ đức hy sinh, bố thí hai con rồi bố thí cả vợ của mình. Nhưng cuối cùng kết thúc có hậu, vợ chồng con cái lại được đoàn tụ tại vương quốc của mình và đều trở thành Phật.
Câu chuyện Phạ Vệt với những tình tiết hấp dẫn, ly kỳ và kết thúc có hậu đã làm cảm động mọi tín đồ của đạo Phật ở Lào.
Trong đêm lễ hội Phạ Vệt, người ta thường làm những lá thăm, mỗi lá là một đoạn hay nửa đoạn thơ rồi các nhà sư bắt thăm. Ai bắt được đoạn nào thì đọc đoạn ấy. Mỗi nhà sư thường đọc một trường đoạn. Người nghe tán thưởng có thể nghe suốt đêm.
Tác phẩm nguyên bản bằng tiếng Pali-Sanskrit được dịch sang tiếng Lào theo thể thơ Kon hài. Tác phẩm gồm 1.000 bốt (đoạn), mỗi đoạn 32 từ. Toàn bộ tác phẩm gồm 32.000 từ. Tác phẩm tiếng Lào được chia thành 13 kăn, mỗi kăn là một đoạn trong cuộc đời Phạ Vệt.
Kăn 1: Thạnạphon. Bà Phu xạ đi là mẹ của đức Phạ Vệt. Bà đã có lời cầu xin Phạ In 10 điều trước khi sinh ra Phạ Vệt.
Kăn 2: Hỏmạphan. Phạ Vệt bố thí con voi trắng là báu vật của vương quốc.
Kăn 3: Thanạkăn. Hai vợ chồng Phạ Vệt bị đuổi, phải mang con ra khỏi vương quốc.
Kăn 4: Vạnạphạvệt. Phạ Vệt vào rừng tu.
Kăn 5: Xuxạkạ. Già Pham (một người Bà la môn) đi tìm Phạ Vệt để xin hai người con của ngài là cô Căn Hà và cậu Xả Li.
Kăn 6: Chulạphôn (rừng nhỏ). Một người thợ săn gặp già Pham và tả cho ông ta nghe về cánh rừng nhỏ nơi gia đình Phạ Vệt sinh sống.
Kăn 7: Mạhảphôn (rừng lớn). Pham gặp Phạ Lư xỉ (người tu khổ hạnh) tên là Ạchúttạ, ông ta chỉ đường tiếp cho Pham đến cánh rừng rộng lớn.
Kăn 8: Ku Man. Phạm gặp Phạ Vệt và Phạ Vệt bố thí hai con cho ông ta.
Kăn 9: Nang Ma Thi (vợ Phạ Vệt) từ rừng về khóc tìm con.
Kăn 10: Xắckạbăn. Phạ In biến thành một người Bà la môn đến xin nang Ma Thi. Phạ Vệt đã bố thí vợ.
Kăn 11: Mạhảrạt. Vợ chồng Phạ nha Buhôm Mạxaxim (cha mẹ Phạ Vệt) tình cờ gặp người Bà la môn đang dẫn hai cháu nhỏ đi xin ăn. Hai cháu nhận ra ông bà và kể tình đầu cho ông bà nghe. Vợ chồng Phạ nha bèn đi tìm Phạ Vệt.
Kăn 12: Xắckạti. Sáu vị Phạ nha – gia đình đoàn tụ.
Kăn 13: Nạ Khon. Phạ Vệt trở về mường và hóa Phật.
Truyện thơ “Phạ Vệt Sẳn Đon” được đọc trong những đêm nhân dân Lào tổ chức lễ hội Phạ Vệt vào tháng ba hàng năm nhằm kỷ niệm ngày Đức Phật đắc đạo.
Ngô Gia Linh