Là lễ hội thứ 8 trong 12 lễ hội của người Lào. Khậu p’hăn sả trong tiếng Pali có hai ý nghĩa là vào chay và làm vào chay. Cả hai đều có ý nghĩa giống nhau, nghĩa là nhà sư không đi đâu ra ngoài trong ba tháng mùa mưa từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 11, bởi vì ba tháng này là mùa mưa, sư có đi đến đâu cũng trong tình trạng khó khăn, không tốt đối với sư.
Phong tục cũ của người Lào theo đạo Phật là khi đến dịp bun Khậu p’hăn sả thì mọi người thường tập trung ở chùa và giúp đỡ tăng giới Phật giáo trong những dịp này.
Những điều nói về bun Khậu p’hăn sả đối với các nhà sư: phong tục này có từ Ấn Độ cổ xưa. Vào mùa mưa, những nhà tu hành nếu gặp phải mưa ở đâu thì ở lại luôn đó chờ cho hết ba tháng mùa mưa mới lại tiếp tục lên đường. Đức Phật cũng vậy, khi đi du hành, nếu gặp trời mưa ở đâu, Ngài cũng ở lại luôn đó chờ cho hết mùa mưa mới lại đi tiếp.
Lúc đầu, sư còn ít nên thường mùa mưa thì họ ở lại luôn chỗ Đức Phật. Nhưng khi tăng giới đông đảo, Đức Phật đã đề ra ba tháng an cư vào mùa mưa cho tăng giới Phật giáo. Bởi vì sư đi ra ngoài vào mùa mưa sẽ dẫm vào những con vật nhỏ bé ở dưới đất khiến chúng bị chết nhiều.
Do vậy, tăng giới Phật giáo đã đề ra quyết định vào chay cho toàn bộ tăng đoàn trong ba tháng mùa mưa. Vụ việc này được mang tên là Khậu p’hăn sả và tồn tại cho đến ngày nay.
Tăng giới Phật giáo cũng ra quy định những nhiệm vụ cho các nhà sư và nhân dân trong thời gian bun Khậu p’hăn sả như sau:
Đối với sư, vào trước ngày bun Khậu p’hăn sả phải dọn dẹp nhà chùa cho sạch sẽ. Phòng ở, Phật đường và mọi nơi trong chùa phải được dọn dẹp sạch sẽ để thuận lợi cho việc làm bun Khậu p’hăn sả. Các nhà sư trong các chùa cũng có nhiệm vụ trang trí lại các pho tượng Phật cho đẹp đẽ và sạch sẽ, được mặc quần áo mới.
Vào ngày bun Khậu p’hăn sả, tất cả các nhà sư phải tập trung tại Phật đường để làm lễ và mọi người sẽ ở cùng nhau trong chùa suốt ba tháng mùa mưa. Các nhà sư sẽ cùng nhau sám hối hoặc sám hối trước vị Hội trưởng hội tăng giới Phật giáo về sự trong sạch của mình hoặc các lỗi lầm mình đã mắc phải trong năm qua cả về hành động lẫn tinh thần. Các nhà sư cũng phải cảnh giác trước những lỗi lầm có thể gặp phải.
Cuối cùng, các nhà sư phải luôn học hỏi những điều răn của Đức Phật để có những hành động đúng và luôn nâng cao kiến thức.
Nhiệm vụ của nhân dân trong dịp bun Khậu p’hăn sả cũng rất lớn. Trước hết là phải chuẩn bị những vật thờ cúng trong dịp lễ hội. Dạy bảo con cháu buổi sáng phải dâng thức ăn cho các nhà sư, buổi chiều phải lên chùa lễ Phật và nghe các nhà sư giảng kinh Phật. Đồng thời trong dịp bun Khậu p’hăn sả, mọi người cũng tự kiểm điểm để không mắc những lỗi như uống rượu say mà phải chú ý làm nhiều việc thiện, nhất là trong dịp bun Khậu p’hăn sả.
Ngô Gia Linh
(Theo cuốn Từ điển Lịch sử và Văn hóa Lào)