Báo cáo mới nhất của WB cho thấy sự lạc quan về khả năng tăng trưởng Kinh tế của Lào, dự kiến sẽ ở mức 6.5% vào năm 2019 sau khi đạt được con số 6.3% vào năm 2018.
Hôm qua 12/8 tại thủ đô Vientiane, giám đốc WB tại Lào Nicola Pontara đã chủ trì họp báo công bố nội dung báo cáo Kinh tế Lào năm 2019. Theo nội dung báo cáo, mặc dù tiếp tục chính sách thắt chặt tài chính, ngân sách, các dự án trọng điểm của Lào vẫn sẽ nhận được sự đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc. Đồng thời, Chính phủ Lào tiếp tục cam kết thực hiện hợp nhất tài chính để kiềm chế phát sinh nợ công trung hạn bằng cách thắt chặt chi tiêu công và cải thiện khả năng thu ngân sách
Tăng trưởng Kinh tế Lào sẽ được thúc đẩy bởi lĩnh vực dịch vụ đang trên đà phát triển nhanh với cơ sở là nhóm kinh doanh bán buôn, bán lẻ.
Các động thái tích cực của Chính phủ Lào sẽ mang lại hiệu quả giảm thâm hụt ngân sách từ 4.4% GDP năm 2018 xuống còn 4.3% GDP trong năm nay.
Phát biểu tại họp báo, đại diện WB tại Lào cho biết nhịp tăng trưởng Kinh tế Lào đang phục hồi trở lại sau khi chững lại bởi các sự cố thiên tai năm ngoái. Ngoài ra, vị này cảnh báo về nguy cơ rơi vào vòng xoáy nợ của Lào và hy vọng Chính phủ nước này có nhiều biện pháp để ứng phó, đồng thời cần duy trì khả năng thu ngân sách để giảm thâm hụt và làm nhẹ gánh nặng nợ công.
Về dài hạn, Lào cần nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ SMEs. Những hành động trên có thể mang lại hiệu quả duy trì Kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tạp công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và bất bình đẳng.
Theo chuyên gia Kinh tế của WB, ông Somneuk Davading cho biết, trong khu vực năng động như Asean, Lào là một trong năm quốc gia có tốc độ tăng trưởng tốt nhất, tuy nhiên Chính phủ nước này cần tiếp tục thực hiện các cải cách cơ chế và môi trường đầu tư để thu hút thêm vốn nước ngoài.
Một trong các thách thức chính của Lào là tăng trưởng chất lượng gắn với thân thiện môi trường và tạo thêm công ăn việc làm cho lực lượng lao động. Thay vì dựa vào việc khai thác xuất khẩu tài nguyên và nguyên liệu thô, các sản phảm giá trị gia tăng cũng cần được chú trọng phát triển.
Lào là quốc gia dễ chịu tác động từ bên ngoài cũng như ảnh hưởng nặng từ thiên tai, điều có thể gây áp lực lớn đến khả năng tài chính. Tranh chấp thương mại Trung-Mỹ đã làm giảm triển vọng tăng trưởng của các đối tác thương mại chính của Lào khiến làn sóng hợp tác, đầu tư quốc tế của Lào thấp hơn, báo cáo cho biết.
Ngoài ra, đồng Kíp yếu thế so với các ngoại tệ phổ biến như USD và bath Thái cũng cần được chú ý, điều này ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của Lào.
Báo cáo của WB cũng lưu ý những hạn chế và rào cản mà SMEs tại Lào phải đối mặt như khả năng tiếp cận vốn, việc cạnh tranh với doanh nghiệp không hợp pháp và sự ổn định của hệ thống cấp điện cho sản xuất. Việc tăng cường năng lực và hiệu suất hoạt động của SME có thể cải thiện thu nhập, mở rộng co hội việc làm và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Theo KTXH