Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cập nhật bản Giám sát Kinh tế Lào, nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế nước này, khiến khu vực kinh doanh bị gián đoạn, đẩy cao các lo ngại về sức khoẻ và nguồn thu nhập.
Theo báo cáo của WB, các cú sốc doanh thu tiếp tục xảy ra với nhiều doanh nghiệp Lào. Theo đó, một cuộc khảo sát đã được thực thiện với 421 công ty trong giai đoạn tháng 4 và tháng 5 vừa qua, có dưới 40% công ty vẫn mở cửa, mức giảm doanh số hàng tháng tăng từ 31% vào tháng 3-4 năm ngoái lên 48% vào cùng kỳ năm nay. Các công ty và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Vientiane và tỉnh Luang Prabang bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các tỉnh khác.
Theo báo cáo, có 1/3 hộ gia đình kinh doanh phải đóng cửa và hơn 50% doanh nghiệp còn mở cửa bị sụt giảm doanh thu. Đợt bùng phát mới của Covid-19 khiến thu nhập họ gia đình bị ảnh hưởng, với hơn 25% được hỏi tỏ ra lo lắng về an ninh lương thực. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao sau khi hơn 246.000 lao động Lào trở về từ Thái Lan kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái.
Theo WB, nguồn thu doanh nghiệp vào năm 2020 đã giảm hơn 40% so với năm 2019, việc làn sóng dịch thứ 2 xuất hiện hồi tháng 4 một lần nữa đã làm gián đoạn các cơ hội phục hồi kinh tế, đang có dấu hiệu khởi sắc trong quý I.
Việc hạn chế đi lại đã làm gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa và các hoạt động canh tác. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, đang phải vật lộn để tồn tại trước áp lực thanh toán các chi phí khác nhau. Theo báo cáo, gần một nửa số công ty đã báo cáo tình trạng thiếu hụt dòng tiền và hơn 1/3 đã trì hoãn ít nhất một số khoản thanh toán trong hơn một tuần. Việc phong toả tạo ra lo ngại rằng việc cố gắng thắt chặt chi tiêu sẽ giảm triển vọng phục hồi của các doanh nghiệp.
Nhiều người dân thủ đô Vientiane cho biết các biện pháp hạn chế mới làm tăng thêm khó khăn về thu nhập và đảm bảo kinh tế gia đình.
Tuy nhiên, đại dịch lại là cơ hội thúc đẩy khía cạnh CNTT, khi 16% công ty đã đầu tư vào chuyển đổi số hoặc sử dụng hình thức phân phối mới.
Cho đến cuối năm 2023, Chính phủ Lào xác định mục tiêu hoàn thành chương trình nghị sự quốc gia để giải quyết khó khăn về kinh tế-tài chính, bao gồm (1) đảm bảo tăng trưởng kinh tế ít nhất 4% hàng năm, (2) tăng sản lượng xuất khẩu, (3) giảm thâm hụt tài khóa, (4) giải quyết nợ công, (5) đảm bảo ổn định tài chính, (6 ) đạt tiến bộ đáng kể trong xây dựng nhà nước pháp quyền.
Tổng hợp