Theo Báo cáo phát triển kinh tế xã hội lần 9 của Lào, Chính phủ Lào ghi nhận, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng của Lào là động lực tăng trưởng chính của đất nước những năm vừa qua và sẽ tiếp tục là một lực lượng phát triển kinh tế lớn nếu việc tái cấu trúc nền kinh tế Lào diễn ra theo hướng đa dạng hóa hàng hóa, thị trường và nguồn vốn; chuyển dịch, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số; giảm thiểu các rủi ro ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước.
Các lĩnh vực có tiềm năng phát triển kinh tế Lào gồm nông nghiệp, du lịch, năng lượng và giao thông vận tải, trong đó nông nghiệp và du lịch có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao nhất.
Nông nghiệp: Lào có diện tích đất sản xuất lớn do mật độ dân số thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, hiện đại và bền vững đang có nhu cầu ngày càng cao cả trong nước và thị trường quốc tế. Lào được hưởng nhiều chính sách thuế quan ưu đãi, đặc biệt là tiếp cận thị trường miễn thuế và được cấp hạn ngạch đối với các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc và EU. Tuy nhiên, do hạn chế về năng suất, nguồn ngân sách, khả năng công nghệ và ảnh hưởng bởi thiên tai nên sản xuất nông nghiệp Lào chưa ổn định, chưa đáp ứng được nhu cầu và chất lượng xuất khẩu.
Du lịch: Là một lĩnh vực có tiềm năng lớn tại Lào do vị trí địa lý của đất nước được kết nối với nhiều quốc gia láng giềng và sở hữu nhiều nét văn hóa cũng như điều kiện tự nhiên độc đáo. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của LHQ (UNWTO), lượng khách du lịch quốc tế đến Lào năm 2019 đạt 4,8 triệu lượt, tăng 14,4% đã đưa Lào trở thành một trong những điểm du lịch phát triển nhanh nhất thế giới. Du lịch đóng góp 13% GDP và 13% tổng số việc làm, năm 2019, trước khi bị tác động bởi đại dịch COVID-19, tổng doanh thu từ du lịch quốc tế Lào đạt hơn 900 triệu USD. Do đó, cần thúc đẩy phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn như các chương trình homestay, bảo tồn thiên nhiên và thủ công mỹ nghệ, ví dụ quảng bá, phát triển du lịch gắn với sử dụng các sản phẩm địa phương, vật liệu trang trívà hàng thủ công mỹ nghệ…
Năng lượng: Lào có tiềm năng phát triển thủy điện cao, do đó rất cần tăng cường nỗ lực trong sản xuất, tiêu thụ năng lượng sạch đồng thời nghiên cứu khả năng sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu loại năng lượng này. Thúc đẩy việc sử dụng xe điện (một chỉ số trong Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh của Lào), giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang dùng điện. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu cụ thể, các đánh giá tính khả thi về nhu cầu năng lượng của các ngành khác nhau.
Giao thông vận tải: Giao thông vận tải là một lĩnh vực có khả năng biến những thách thức của Lào từ một quốc gia không giáp biển thành một nước có nhiều cơ hội hội nhập và kết nối khu vực và quốc tế. Các cơ hội đến từ sự kết nối vận tải đường bộ và đường hàng không, như tuyến đường sắt Lào-Trung và đường cao tốc Viêng Chăn-Vang Viêng thúc đẩy vận chuyển hàng hóa sản xuất trong nước và xuất khẩu sang các nước láng giềng; tạo điều kiện hội nhập vào chuỗi giá trị. Cần thiết có các điều chỉnh chính sách nhằm đảm bảo tính linh hoạt, nhanh chóng, chất lượng, hiệu quả; xây dựng quy mô phù hơp với lợi ích kinh tế và giữ gìn môi trường bền vững.
Theo ĐSQVN tại Lào