Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo ngành hải quan tỉnh trả lời câu hỏi có hay không việc doanh nghiệp phải đi vòng xa hơn mấy trăm km ra cửa khẩu tỉnh bạn để sang Lào mà không đi qua cửa khẩu Lao Bảo để giảm chi phí?
Tại hội nghị Đối thoại doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã yêu cầu Cục Hải quan tỉnh phải kiểm tra làm rõ có hay không nhiều phương tiện vận tải các tỉnh phía Nam chấp nhận đi vòng ra Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) để qua Lào, thay vì đi Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (cửa khẩu Lao Bảo) để giảm chi phí.
Tại buổi Đối thoại, bà Dương Ánh Hồng, Giám đốc Tài chính Công ty Thương mại XNK Việt Hồng Chinh đặt ra câu hỏi làm thế nào để cửa khẩu Lao Bảo có thể thu hút được những doanh nghiệp có hàng hoá xuất nhập khẩu qua Lào, đưa cửa khẩu Lao Bảo sầm uất trở lại.
“Theo tôi biết, từ lâu, nhiều xe tải các tỉnh thành khác ở phía Nam đi qua Pakse (thuộc tỉnh Champasak – Lào) đều đi vòng ra cửa khẩu Cha Lo để giảm chi phí. Điều này nghe qua rất nghịch lý nhưng trong thực tế vẫn diễn ra từ lâu. Trong khi cửa khẩu Lao Bảo từng có thời kỳ là nơi trung chuyển hàng hoá qua Lào lớn nhất miền Trung, vậy mà giờ rất đìu hiu. Vì vậy, tôi kiến nghị ban ngành tỉnh phải điều tra lại nhu cầu thực tế để đưa ra chính sách thu hút các doanh nghiệp trở lại với Lao Bảo”, bà Hồng nói.
Sau khi đại diện doanh nghiệp đặt vấn đề, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đồng chủ trì buổi Đối thoại đã phân công ông Hồ Sỹ Trị, Phó cục trưởng Cục hải quan Quảng Trị trả lời.
Trả lời câu hỏi, ông Trị cho rằng, trong 10 năm qua, lượng phương tiện và hàng hoá xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Lao Bảo đã có sự tăng lên đột biến. Nếu năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá qua cửa khẩu Lao Bảo đạt 14 triệu USD thì trong 8 tháng đầu năm 2024, lượng hàng hoá xuất nhập khẩu tại đây đã đạt 684 triệu USD, cao gấp 50 lần so với năm 2014.Con số này chưa kể đến lượng hàng hoá quá cảnh qua cửa khẩu Lao Bảo trung bình 12 tỷ USD mỗi năm mà trước đây hầu như không có.
Ông Trị cho biết thêm, trong 8 tháng đầu năm 2024, ngành hải quan Quảng Trị đã làm thủ tục thông quan cho khoảng 10 nghìn tờ khai hàng hoá, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước với khối lượng hàng hoá đạt 3 triệu tấn. Trong khi trước đây chỉ vài trăm nghìn tấn/năm. “Điều này cho thấy khối lượng hàng hoá tăng lên như thế nào so với trước đây”, ông Trị nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trị, về lượng phương tiện thông quan qua cửa khẩu Lao Bảo, trước đây mỗi ngày chỉ có tầm 50 – 100 lượt phương tiện thông quan thì nay có ngày lên đến 860 lượt phương tiện, trong đó có khoảng 700 lượt phương tiện là xe chở hàng hoá trọng tải lớn.
“Trong số 700 lượt phương tiện này có khoảng 500 lượt phương tiện chở hàng quá cảnh từ các nước ASEAN đi qua cửa khẩu Lao Bảo đi về các cảng trên toàn tuyến từ Bắc vào Nam. Số 100 lượt xe còn lại là xe con, xe khách của khách du lịch. Tất cả con số nói trên đã minh chứng sự phát triển của Cửa khẩu Lao Bảo. So sánh với cửa khẩu Cha Lo vào khoảng năm 2014 thì lượng hàng hoá xuất nhập khẩu ở họ vào khoảng 2 tỷ USD và chủ yếu là khoáng sản nhập khẩu. Trong khi Lao Bảo lúc bấy giờ chỉ hơn 10 triệu USD. Còn đến thời điểm này khi lượng hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lao Bảo tăng lên nhiều thì chúng tôi cũng chưa cập nhật lại số liệu xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu của họ để có sự so sánh”, ông Trị nói.
Ngay sau khi ông Trị giải trình, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chủ trì cuộc họp đã đặt thêm vấn đề với lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh đó là phải làm thế nào để ngành hải quan cùng các đơn vị liên ngành tại cửa khẩu Lao Bảo có thể giảm tải các thủ tục hành chính giúp việc thông quan được nhanh gọn hơn. Đồng thời, phải làm thế nào để các doanh nghiệp của Quảng Trị có thể tham gia nhiều hơn vào chuỗi hàng hoá xuất nhập khẩu lên đến 12 tỷ USD qua cửa khẩu này.
“Trong 800 lượt xe qua cửa khẩu liệu có bao nhiêu xe của doanh nghiệp Quảng Trị? Chúng ta nên có một sự thống kê để đánh giá đúng tình hình để từ đó có một chiến lược đúng. Chúng ta phải nhìn nhận rằng, đây là một dư địa rất lớn mà nếu chúng ta không tham gia thì sẽ mất đi cơ hội ngay trên sân nhà. Vấn đề này đặt ra cho Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và chính các doanh nghiệp là vì sao chúng ta có cơ hội mà chúng ta không tham gia vào, và tỉnh sẽ phải hỗ trợ như thế nào để tham gia vào chuỗi này?”, ông Hưng nêu vấn đề.
Ông Hưng cũng đặt ra câu hỏi liệu có hay không việc doanh nghiệp phải đi vòng xa hơn mấy trăm km ra cửa khẩu tỉnh bạn để sang Lào mà không đi qua cửa khẩu Lao Bảo?
“Tôi nghĩ với câu hỏi này, ngành hải quan tỉnh phải kiểm tra xem xét có hay không? Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp trước đây, tôi đã có chỉ đạo với câu hỏi này và ngành hải quan cũng đã có trả lời. Ngoài những nguyên nhân về sự phiền phức chủ quan thì còn một nguyên nhân khách quan khác là do chúng ta làm thí điểm “một cửa một điểm dừng”. Vì vậy, chúng ta đã báo cáo Chính phủ, Bộ ngoại giao bỏ đi. Vì thế, nguyên nhân của sự phiền phức này không còn. Vì vậy, ngành hải quan giờ đây phải tìm hiểu, điều tra xem có còn sự việc này nữa không”, ông Hưng nhấn mạnh.
Trước ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, đại diện Cục Hải quan Quảng Trị tiếp tục khẳng định “ngành hải quan tỉnh luôn luôn đặt tâm thế tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp” khi tham gia vào quá trình xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hoá tại cửa khẩu trên địa bàn.
“Mọi thủ tục chúng tôi đã thực hiện hoàn toàn trên hệ thống điện tử. Và từ năm 2022 đến nay, chúng tôi đã đề xuất rất nhiều ý kiến với Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về việc quản lý rủi ro với việc kiểm tra hàng hoá, phương tiện. Từ chỗ tỷ lệ kiểm tra hàng hoá phương tiện xuất nhập khẩu 13% nay xuống chỉ còn 4,5%, đảm bảo tương đồng với các cửa khẩu lớn trên toàn quốc”, ông Trị dẫn chứng.
Theo Baodautu