Tại Kỳ họp thứ 8, Hội đồng Nhân dân thủ đô Viêng Chăn khóa II, từ ngày 16 – 24/12/2024, ông Khanthe Sivilay, đại biểu Hội đồng Nhân dân thủ đô Viêng Chăn khu vực huyện Pak Ngeum đã đề xuất các bên liên quan của thủ đô Viêng Chăn giúp giải quyết vấn đề giá sắn thấp hiện nay.
Ông cho biết, hiện nay tại thủ đô Viêng Chăn có hàng ngàn hecta ruộng sắn nhưng đến mùa thu hoạch thì không thể thu hoạch được vì giá thành quá thấp, 1.300 Kip/kg hay khoảng 1.300.000 Kip/tấn hoặc tối đa không quá 1.500.000 kíp/tấn. Giá thành này quá thấp so với chi phí dọn dẹp, chi phí bảo trì và chi phí vận chuyển đến nhà máy, khiến việc thu mua trở nên bất khả thi mặc dù nhà máy đã mở cửa để mua do giá rất thấp. Do đó, các bên liên quan nên có biện pháp giải quyết hoặc thúc đẩy mức giá hợp lý để giúp người dân có thu nhập.
Ông cho biết thêm về công tác quản lý nhà máy thu mua sắn, thời gian qua các nhà máy vẫn mở cửa thu mua, nhưng khi người dân mang số lượng lớn sắn đến bán thì đóng cửa thu mua, với lý do máy móc trục trặc, thiếu nhân công… Những người quen biết người làm việc trong nhà máy có thể mang sắn đến bán, nhưng những người không quen biết thì không thể mang sản phẩm của mình đến bán. Nếu chờ đến ngày khác thì giá thành hoặc trọng lượng sẽ giảm xuống. Nếu năm nay không thu hoạch được mà chuyển sang năm sau mới thu hoạch, khi đó nhà máy sẽ đưa ra lý do sắn không có tinh bột, khiến người dân chịu thiệt thòi, ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, các bên liên quan cần tìm cách giải quyết những vấn đề này để người dân có cơm ăn, áo mặc, cũng như thúc đẩy sản xuất và sự an tâm cho người dân tốt hơn trước.
Trả lời vấn đề này, bà Vanmany Phimmasan, Giám đốc Sở Công Thương thủ đô Viêng Chăn cho biết: Đối với các nhà máy sản xuất bột sắn, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp là đơn vị quản lý. Về giá sắn, hiện nay mặt hàng này chưa được đưa vào danh mục kiểm soát giá hoặc chưa có mức giá trần tối đa – tối thiểu, hiện Bộ Nông – Lâm nghiệp đang nghiên cứu. Tuy nhiên, Sở Công thương thủ đô sẽ phối hợp với các bên liên quan để giải quyết vấn đề này.
Tổng hợp