Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Lào đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 237 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,34 tỷ USD. Việt Nam luôn nằm trong nhóm 3 nhà đầu tư hàng đầu tại Lào. Đáng chú ý, sau một thời gian suy giảm, đầu tư của Việt Nam vào Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn.
Lào đứng thứ nhất trong số các quốc gia Việt Nam đầu tư ra nước ngoài
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Lào là quốc gia đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 237 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,34 tỉ USD. Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc và Thái Lan).
Đáng chú ý, sau một thời gian suy giảm, đầu tư của Việt Nam vào Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, đầu tư từ Việt Nam sang Lào có 3 dự án cấp mới và 3 dự án điều chỉnh tăng vốn. Tổng vốn đăng ký là 65,92 triệu USD, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong thời gian tới.
Hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào đã có ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của Lào như: nông nghiệp, năng lượng, sản xuất, phân phối các hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu, hàng tiêu dùng; cung ứng các dịch vụ quan trọng như ngân hàng, du lịch, khách sạn, trung tâm thương mại…
Các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào, một mặt mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam, giúp tạo nền tảng, cơ sở cho việc thành lập các ngành công nghiệp trong tương lai của nước bạn Lào, mặt khác góp phần củng cố quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện và cùng phát triển giữa Việt Nam và Lào.
Đầu tư của Việt Nam tại Lào đã có mặt tại các địa bàn quan trọng có nhiều tiềm năng lớn trong hợp tác đầu tư như các trung tâm kinh tế lớn của Lào, các tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía Nam Lào,…
Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính và giá đầu ra các sản phẩm nông nghiệp, quặng, khoáng sản,… trên thị trường quốc tế giảm mạnh nên ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Các dự án hoạt động cầm chừng, một số dự án có nguy cơ phải tái cơ cấu lại hoạt động đầu tư, chuyển nhượng dự án. Thực tế đã có một số trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đã phải dừng hoạt động đầu tư, chuyển nhượng dự án cho đối tác khác. Gần đây, giá các sản phẩm tăng, nên hiệu quả kinh tế của dự án tăng, các doanh nghiệp đang từng bước đi vào hoạt động ổn định hơn.
Thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam – Lào
Tại chương trình giao lưu với chủ đề “Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại – đầu tư doanh nghiệp Việt Nam – Lào”, diễn ra sáng 31/8/2022 do Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Mekong ASEAN phối hợp tổ chức, Đại sứ Nguyễn Phú Bình – Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh: Sau 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào, thương mại, đầu tư giữa hai nước không ngừng phát triển theo chiều hướng tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Việt Nam luôn nằm trong nhóm 3 nhà đầu tư hàng đầu tại Lào trong những năm qua.
Bà Sonechan Phoutthavong- Tham tán Kinh tế Thương mại, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Lào có chính sách xúc tiến đầu tư trong và nước ngoài dựa theo Luật Xúc tiến Đầu tư năm 2016 và văn bản luật liên quan khác của Lào trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Các chính sách thu hút nhà đầu tư trong và nước ngoài đến đầu tư tại Lào.
Theo bà Sonechan Phoutthavong, mối quan hệ hợp tác thương mại giữa Lào – Việt Nam là hợp tác đặc biệt và có truyền thống từ lâu đời kể từ lãnh đạo cấp cao nhà nước đến các cấp bộ, ngành. Hai bên ký Hiệp định Thương mại song phương và Thương mại biên giới từ năm 2015. Lào luôn tăng cường xúc tiến và phát triển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại kết nối với logistics quá cảnh với Việt Nam.
“Hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các chính sách ưu đãi hơn nữa để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực kinh tế, sản xuất và thương mại biên giới Lào- Việt Nam; cùng nhau nghiên cứu, sửa đổi hiệp định đã có, đặc biệt là Hiệp định thương mại song phương Lào- Việt Nam, Hiệp định thương mại biên giới Lào- Việt Nam và quyết định Hà Nội năm 2007 về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hóa cho phù hợp với thực tế; tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường lẫn nhau”- bà Sonechan Phoutthavong cho biết.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình cũng nhấn mạnh, trong những thập kỷ qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Lào được các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam – Lào, ông Vũ Văn Chung – Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư sang Lào và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Tiếp tục thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào trong giai đoạn tới như nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo,… Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư vào các ngành kinh tế then chốt của Lào (năng lượng, tài chính – ngân hàng, khai khoáng, trồng cây công nghiệp…).
Phối hợp phía Lào giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, đặc biệt là các dự án lớn, đảm bảo các dự án đi vào hoạt động hiệu quả. Đề nghị phía Lào phối hợp với phía Việt Nam ưu tiên giao các dự án chậm triển khai, không có khả năng triển khai cho các doanh nghiệp Việt Nam, Lào có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện, nhất là các dự án dọc biên giới Việt Nam – Lào, không giao cho nhà đầu tư nước thứ ba thực hiện.
Ưu tiên hợp tác các dự án biên giới nhằm phát triển kinh tế – xã hội vùng khó khăn của hai nước. Hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác đầu tư vào một số lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp chất lượng cao, sản xuất chế biến các sản phẩm nông lâm sản, khoáng sản xuất khẩu,…