Các mặt hàng nông nghiệp, đặc biệt là cao su, mía đường đang đem lại thu nhập tốt cho người nông dân Lào, sau khi giá mua của thị trường được cải thiện trong thời gian qua.
Theo truyền thông Lào, sau thời gian thua lỗ, giá cao thu tăng theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là Trung Quốc, đang đem lại thu nhập đáng kể cho người nông dân.
Cao su là một trong những mặt hàng nông sản được xuất khẩu nhiều nhất của Lào, chủ yếu xuất sang Trung Quốc và Việt Nam. Năm 2022, Lào xuất khẩu cao su tăng 36% so với cùng kỳ, trong đó ghi nhận giá trị xuất khẩu gần 300 triệu USD trong 11 tháng đầu năm. Việc dễ dàng vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường sắt Lào-Trung đã góp phần cắt giảm thời gian vận chuyển và chi phí sản phẩm.
Huyện Namor, tỉnh Oudomxay, miền Bắc Lào, nơi giáp biên với Trung Quốc, là một trong các địa phương có hoạt động trồng cao su phát triển.
Namor là địa phương có địa hình điển hình của miền Bắc Lào, với khoảng 87% là đồi nối, phù hợp cho việc canh tác cây công nghiệp như cao su, với tổng diện tích cây hơn 4.300 ha, cho sản lượng hàng năm hơn 6.200 nghìn tấn mủ, đem lại thu nhập cho người dân địa phương hơn 60 tỷ Kip. Cùng với mía đường và các hoa màu khác, nông sản là nguồn nguyên liệu ổn định để cung cấp cho các nhà máy chế biến của Trung Quốc ở bên kia bên giới.
Gần đây, một nhà đầu tư Trung Quốc, ông Yang Shi Xian, nói với tờ Vientiane Times rằng ông đã sử dụng tuyến đường sắt Lào-Trung để vận chuyển cao su sang Trung Quốc. Ông nói “Đây là một phương thức vận chuyển dễ dàng, tiết kiệm thời gian và tiền bạc so với vận chuyển bằng đường bộ. Trước đây, vận chuyển sản phẩm cao su sang Trung Quốc bằng xe tải phải mất hai đến ba tuần, nhưng bây giờ chỉ mất hai đến ba ngày. Hơn nữa, chi phí vận chuyển đã giảm 60 Nhân dân tệ/tấn. Ngoài ra, nếu dùng xe tải, sẽ chỉ vận chuyển được 32 tấn cao su một lần, nhưng nếu sử dụng tàu hỏa, có thể vận chuyển khoảng 1.000 tấn cùng lúc”. Hơn 1.000 người dân địa phương đang được hưởng lợi từ việc cạo mủ cao su cho công ty của ông.
Tổng hợp