Hạ tầng bán lẻ truyền thống ở Lào được cho là tụt hậu so với các nước láng giềng Đông Nam Á, vì vậy phương thức mua sắm trực tuyến đã trở thành xu hướng mặc dù sự hiện diện thương mại điện tử còn hạn chế, chủ yếu được thúc đẩy bởi các nền tảng truyền thông xã hội và mô hình kinh doanh xuyên biên giới khác.
Với việc thiếu các nền tảng thương mại điện tử trong nước, người dân Lào đã thích nghi bằng cách tận dụng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và TikTok như là một thị trường giao dịch trực tuyến. Các nhóm và trang dành riêng cho việc mua bán mọi thứ từ quần áo đến đồ điện tử đã phát triển nhanh chóng, tạo ra một hệ sinh thái mua sắm trực tuyến.
Những nhà kinh doanh nhỏ lẻ ở Lào cũng đang chọn Facebook làm nền tảng bán hàng của mình vì đây là nền tảng được sử dụng rộng rãi nhất so với các nền tảng khác, trong bối cảnh người tiêu dùng đang chuyển sang mua sắm trực tuyến vì tính tiện lợi của nó.
Bất chấp sự xuất hiện chậm chạp của thương mại điện tử ở Lào, một số hàng hóa mà khách hàng yêu cầu có thể không có sẵn ở trong nước. Tình trạng này buộc người dân Lào thông qua đơn vị trung gian để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển xuyên biên giới. Nhiều người tiêu dùng đã tìm cách mua và nhận sản phẩm từ các nền tảng thương mại điện tử Thái Lan như Shopee và Lazada, những nền tảng thường không giao hàng đến Lào. Những bên trung gian đứng ra nhận hàng thay cho người mua tại Thái Lan và cung cấp lại thông qua các kho hoặc bưu cục tại Lào.
Thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến ở Lào, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Xu hướng này đã khiến Chính phủ Lào nhận ra tầm quan trọng của việc thiết lập các quy định rõ ràng để bảo vệ nhà đầu tư. Việc đưa ra nghị định mới nhằm hỗ trợ tăng trưởng thương mại điện tử đã củng cố niềm tin vào giao dịch kỹ thuật số của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong một vài năm qua, Chính phủ Lào đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại điện tử và đang trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp có thể chủ động trong lĩnh vực này, thông qua hành lang pháp lý và các điều kiện thuận lợi khác.
Bất chấp sự thành công rõ ràng của việc mua sắm trực tuyến ở Lào, các thách thức hiện hữu bao gồm việc phụ thuộc vào phương tiện truyền thông xã hội và các thỏa thuận xuyên biên giới không chính thức có thể gặp rủi ro, với các vấn đề như gian lận và lo ngại về chất lượng sản phẩm đang gia tăng. Hơn nữa, việc thiếu một hệ thống thương mại điện tử chính thức ở Lào đã hạn chế tiềm năng tăng trưởng và việc thiết lập các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng vốn là tiêu chuẩn ở các thị trường thương mại điện tử phát triển hơn. Gần đây, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã chú ý và bắt đầu có những động thái tham gia nhằm khai thác tiềm năng đáng kể của thị trường thương mại điện tử ở Lào.
Tổng hợp