Sau 4 năm triển khai, Ngân hàng Trung ương Lào vừa thông báo ngừng áp dụng chính sách tín dụng cho các khách nợ của ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo thông báo do Thống đốc ký ngày 26/3 vừa qua giới thiệu cách thức xử lý nợ của khách hàng đã hưởng chính sách tín dụng trong giai đoạn Covid-19 kể từ năm 2020. Theo đó, Ngân hàng có thể cơ cấu nợ thêm một lần cho khách nợ đã được cơ cấu trên hai lần theo diện hưởng chính sách trên.
Trong khi đó, các ngân hàng và tổ chức tài chính có thể cơ cấu nợ thêm 2 lần cho các khách nợ hưởng chính sách trước đó nhưng được cơ cấu chưa quá 2 lần.
Cũng theo thông báo, ngân hàng và tổ chức tài chính có thể thực hiện cơ cấu nợ trên cơ sở đảm bảo bằng một bản đánh giá rằng khách hàng đang thực sự chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho đến thời điểm đề xuất cơ cấu nợ.
Ngân hàng Trung ương Lào cũng yêu cầu các ngân hàng và tổ chức tài chính duy trì giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của khách hàng sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi hoặc đang được cơ cấu nợ để đảm bảo khả năng trả nợ trong tương lai, đồng thời thực hiện phân cấp nợ, trích lập dự phòng, áp dụng các biện pháp thu hồi nợ phù hợp với quy định.
Trước đó, vào đầu năm 2020, để phù hợp với các biện pháp và chính sách của Chính phủ Lào nhằm giải quyết tác động của Covid-19 đến nền kinh tế, Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) cũng ban hành chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn trong giai đoạn đại dịch.
Chính sách tập trung vào việc hỗ trợ các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính trong nước triển khai cụ thể việc giãn thời hạn thanh toán lãi suất và nợ gốc, điều chỉnh lãi suất cho vay và cung cấp thêm các khoản tín dụng mới cho doanh nghiệp.
Trong đó, ngành nghề được khuyến khích tiếp cận nguồn vốn ưu đãi là sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường và đảm bảo an ninh lương thực, từ đó kích thích nền kinh tế phục hồi.
Các ngân hàng tham gia chính sách mới của BOL sẽ cung cấp nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đến siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), chế biến nông sản, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ và du lịch.
Tổng hợp