Tỷ lệ lạm phát tháng 6/2024 tiếp tục tăng so với tháng trước ở mức 26,2% (tháng 5/2024 ở mức 25,8%).
Trong đó, nhóm mặt hàng có tỷ lệ lạm phát cao là nhóm chăm sóc sức khỏe và thuốc men tăng 41,7%; nhóm nhà hàng, khách sạn tăng 35,3%; nhóm nhà ở, nước, điện và nhiên liệu nấu ăn tăng 32,5%; nhóm quần áo và giày dép tăng 29,5%; rượu và thuốc lá tăng 28%; nhóm thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 23,7%.
Đồng thời, nếu so sánh tháng 6/2024 với tháng 5/2024 thì vật giá tiếp tục tăng ở mức chậm hơn so với tháng trước ở mức 2,3% (tháng 5 so với tháng 4 tăng 3,1%). Trong đó, nhóm hàng thay đổi nhiều nhất là nhà ở, nước, điện, nhiên liệu nấu ăn tăng 5,1%, nổi bật nhất là giá thiếc (tăng 5,9%), kẽm (4,7%), sỏi (4,3%), cát (3,5%), gas (2%); nhóm hàng thiết bị gia dụng tăng 3,7%, đáng chú ý nhất là giá nồi cơm điện (12,3%), quạt (8,8%), xà phòng (6%), đèn điện (5,8%); nhóm chăm sóc sức khỏe và thuốc men tăng 2,8%, trong đó giá dược phẩm (3,6%), thuốc ho cho trẻ em (3,6%); nhóm thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 2%, nổi bật nhất là giá cà chua (tăng 57,7%), ớt (12,2%), thịt bò (2,9%), thịt gà (2%).
Tỷ lệ lạm phát quý II/2024 ở mức 25,6% (quý II/ 2024 so với quý II/ 2023) và bình quân 6 tháng đầu năm tỷ lệ lạm phát ở mức 25,3% (6 tháng đầu năm 2023 ở mức 38,1%). Nhóm có mức tăng lạm phát cao nhất là nhóm chăm sóc sức khỏe và thuốc men, nổi bật nhất là giá thuốc, dịch vụ điều trị ngoại trú và dịch vụ từ bệnh viện tư nhân; nhóm nhà hàng, khách sạn nổi bật là giá cả đồ ăn sẵn; nhóm quần áo và giày dép nổi bật nhất là quần áo nam, quần áo nữ, quần áo và giày dép trẻ em; tiếp đến là nhóm đồ gia dụng.
Nguyên nhân chính gây ra lạm phát hàng tháng, cũng như trong 6 tháng đầu năm 2024 là do: (1) Sự mất giá của đồng kip so với các đồng ngoại tệ như đồng USD, baht và nhân dân tệ là loại tiền tệ chính trong thanh toán hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu; (2) Cơ sở sản xuất trong nước chưa đủ mạnh, phần lớn phụ thuộc và nhập khẩu từ nước ngoài như hàng tiêu dùng, các yếu tố sản xuất bao gồm nguyên liệu thô, công cụ khoa học và cây trồng đều được nhập khẩu từ nước ngoài; (3) Đồng thời, việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng từ 7% lên 10% là một phần tác động đến việc tăng giá hàng hóa.
Tổng hợp