Từ hôm nay, Lào bắt tay thử nghiệm tiền kỹ thuật số để phục vụ thanh toán xuyên biên giới, bước đi cần thiết ở đất nước chỉ 30% dân số có tài khoản ngân hàng.
Ngân hàng Trung ương CHDCND Lào và công ty blockchain Nhật Bản Soramitsu đã ký một biên bản ghi nhớ hôm 6/2 để bắt đầu quá trình thử nghiệm tiền kỹ thuật số. Soramitsu, có trụ sở tại Tokyo, trước đó cũng đã giúp Campuchia ra mắt loại tiền kỹ thuật số có tên là Bakong vào tháng 10/2020.
Ngân hàng Trung ương Lào sẽ sử dụng một biến thể của hệ thống tại Campuchia của Soramitsu để tạo ra loại tiền kỹ thuật số, sẽ được phân phối cho người tiêu dùng thông qua các ngân hàng thương mại tại Lào. Người tiêu dùng sẽ thử nghiệm sử dụng loại tiền này để thanh toán khi mua hàng tại các cửa hàng.
Lào cũng sẽ thử nghiệm các giao dịch kỹ thuật số xuyên biên giới với Campuchia. Mặc dù một số quốc gia khác cũng đã phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, như Bakong của Campuchia hay eNaira của Nigeria, các giao dịch liên quan đến tiền điện tử của các ngân hàng trung ương (CBDC) khác nhau chưa mấy phổ biến.
Lào và Campuchia hy vọng sẽ làm cho các loại tiền kỹ thuật số của họ hấp dẫn hơn bằng cách cùng nhau phát triển một hệ thống thanh toán xuyên biên giới.
Theo Nikkei Asia, Chính phủ Viêng Chăn coi tiền CBDC là một cách giúp các dịch vụ tài chính dễ tiếp cận hơn. Khoảng 70% dân số Lào không có tài khoản ngân hàng. Một loại tiền điện tử sẽ cho phép mọi người thanh toán tại cửa hàng hoặc chuyển tiền bằng cách quét mã QR trên điện thoại thông minh, bất kể họ có tài khoản ngân hàng hay không. Nó cũng giúp giảm chi phí kiều hối từ lao động ngoài nước.
Lào và Campuchia cũng coi CBDC là chìa khóa cho an ninh kinh tế của họ. Khi thương mại của họ với Trung Quốc mở rộng, Lào và Campuchia coi tỷ giá hối đoái ổn định với đồng Nhân dân tệ là ưu tiên hàng đầu. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) đã phát hành thử nghiệm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số và 2 quốc gia Đông Dương có lẽ muốn tăng lợi ích của việc sử dụng đồng nội tệ trước khi Bắc Kinh bắt đầu thực hiện thanh toán xuyên biên giới.
Trong khu vực, Philippines được cho đang tiến hành nghiên cứu về CBDC, trong khi Fiji và các quốc đảo Thái Bình Dương khác cũng bày tỏ sự quan tâm đến khái niệm này.
Soramitsu đặt mục tiêu tạo ra một mạng lưới thanh toán quốc tế kết nối các loại tiền kỹ thuật số từ những quốc gia này bởi hệ thống có giá trị hơn khi chúng có nhiều loại tiền tệ hơn.
Theo một báo cáo năm 2021 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, hiệu quả trong các giao dịch xuyên biên giới là lý do chính khiến các quốc gia quan tâm đến tiền CBDC. Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) cũng đã thử nghiệm thành công với các CBDC liên kết với nhau trên 18 tổ chức khác nhau, bao gồm cả các ngân hàng trung ương.
Theo Nikkei