Ba dự án đường sắt: Lào – Trung Quốc, Lào – Thái Lan, và Lào – Việt Nam đã thay đổi lịch sử của Lào từ một quốc gia không giáp biển thành một quốc gia kết nối với khu vực và thế giới, đồng thời trở thành trung tâm trung chuyển của ASEAN.
Lào có dân số hơn 7 triệu người, và nền kinh tế chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp năng lượng – khoáng sản, du lịch và nông nghiệp. Để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo, chính phủ Lào đã xác định du lịch là một trong những chiến lược quan trọng nhất, chỉ đứng sau ngành năng lượng – khoáng sản về khả năng tạo ra nguồn thu. Trong năm 2018-2019, gần 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế đã đến Lào, mang lại khoảng 700 triệu USD doanh thu cho quốc gia này.
Sau khi tuyến đường sắt Lào – Trung Quốc chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2021, lượng khách du lịch đến Lào đã tăng đột biến. Bên cạnh đó, lĩnh vực vận tải hàng hóa và hệ thống giao thông cũng được phát triển nhanh chóng. Tuyến đường sắt đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho di chuyển và vận tải hàng hóa, tiết kiệm chi phí và thời gian, đồng thời gia tăng an toàn và hiệu quả. Dự án đường sắt Lào – Trung Quốc được đánh giá là dự án kiểu mẫu đầu tiên trong việc phát triển đường sắt cao tốc tại Lào và ASEAN, thúc đẩy phong trào xây dựng đường sắt cao tốc trong khu vực và trên thế giới, phù hợp với chính sách của Đảng và Chính phủ Lào về phát triển bền vững.
Mối đây, vào ngày 20/07/2024, Chính phủ Lào và Thái Lan đã phối hợp tổ chức khai trương tuyến đường sắt xuyên biên giới giữa Lào và Thái Lan, nối ga Vientiane với ga Bangkok. Dự án này, do Chính phủ Thái Lan tài trợ thông qua tổ chức NEDA, nằm trong kế hoạch chiến lược phát triển đường sắt kết nối Lào và Thái Lan của Bộ Công chính và Vận tải. Dự án có tổng ngân sách 1.650.000.000 Baht, trong đó 70% là khoản vay và 30% là tài trợ.Tuyến đường sắt Lào – Thái Lan là một trong những dự án hợp tác quan trọng giữa hai chính phủ, nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa hai quốc gia và vận tải liên quốc gia, khuyến khích thương mại, đầu tư và du lịch. Dự án cũng tận dụng vị trí chiến lược của hai quốc gia tại tiểu vùng sông Mê Kông và Đông Nam Á để kết nối cơ sở hạ tầng theo hành lang kinh tế Đông – Tây và Nam – Bắc.
Lào và Việt Nam cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển đường sắt kết nối giữa hai nước. Công ty Thương mại Dầu khí Lào (Petro Trade), đại diện Chính phủ Lào, thông báo rằng dự án đường sắt Lào – Việt Nam, nối từ thủ đô Vientiane đến cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh, đang trong giai đoạn khảo sát và tìm kiếm nguồn vốn để triển khai xây dựng chính thức trong tương lai. Dự kiến ngân sách cho dự án này là từ 4 đến 5 tỷ USD, với giai đoạn 1 xây dựng từ cửa khẩu biên giới Việt Nam đến thị trấn Thakhek, tỉnh Khammuan, khoảng 139,18 km. Giai đoạn này dự kiến sử dụng nguồn vốn từ Viện Tài chính Quốc tế. Tổng chiều dài tuyến đường sắt từ Vientiane đến Vũng Áng khoảng 544 km. Tuyến đường sắt Lào – Việt Nam là một phần của dự án Lao Logistics Link (LLL), được công ty Thương mại Dầu khí Lào phối hợp với Chính phủ Lào và Việt Nam để phát triển và kinh doanh. Việc xây dựng tuyến đường sắt này phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước Lào nhằm thực hiện tầm nhìn của Chính phủ Lào và chiến lược phát triển quốc gia, biến Lào từ quốc gia không giáp biển thành quốc gia kết nối đường bộ, tối ưu hóa lợi ích kinh tế – xã hội cho cả hai quốc gia.
Tổng hợp