Các đội rà phá bom mìn của Nga đã cho nổ hơn 3.000 đơn vị bom mìn còn sót lại sau Chiến tranh Đông Dương, tổ chức đào tạo rà phá bom mìn cho các chuyên gia Lào, đồng thời tài trợ n máy dò và các thiết bị thực địa khác.
Bắt đầu từ năm 2018, các đội rà phá bom mìn của Nga, đại diện cho Trung tâm rà phá bom mìn quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Nga, đã tiến hành rà phá bom mìn nhân đạo ở các tỉnh Borikhamxay và Xieng Khuang, theo thông báo từ Đại sứ quán Nga tại Lào.
Kết quả, hàng trăm ha đất canh tác và các loại đất khác đã được phục hồi đảm bảo công năng sử dụng bình thường, trong khi hàng nghìn vật liệu nổ đã bị tiêu hủy và nhiều hộ gia đình được tuyên truyền, hướng dẫn cách thức phản ứng với vật liệu chưa nổ, dẫn đến việc giảm thiểu rủi ro bom mìn cho người dân Lào ở nhiều tỉnh, góp phần vào nỗ lực đạt được mục tiêu Phát triển bền vững của nước này.
Cùng với Việt Nam, Campuchia, Lào là quốc gia phải hứng chịu hậu quả bom mìn nặng nề nhất trên thế giới tính theo đầu người. Trong cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, từ năm 1964 đến năm 1973, hơn 2 triệu tấn bom mìn đã được không quân Mỹ thả xuống đất Lào, trong đó 30% không nổ với khoảng 80 triệu quả bom, đạn chùm chôm vùi rải rác khắp đất nước. Nhiều nhất là những tỉnh dọc sườn phía Tây dãy Trường Sơn như Xiengkhuang, Khammouane, Bolikhamxay, Savanakhet, Attapeu…
Ô nhiễm bom mìn là trở ngại lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội và đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân. Mỗi năm, có hàng chục người Lào bị thương vong do bom mìn. Từ nhiều năm nay, Mỹ, Nga, Hàn Quốc… đã tài trợ nhiều dự án giúp Lào rà phá, xử lý bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, trả lại quỹ đất sạch, an toàn cho người dân sản xuất.
Tổng hợp