Ngày 19/4/2022, Sở Nông Lâm thủ đô Viêng Chăn tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xúc tiến sản xuất hàng hóa trong ngành trồng trọt năm 2021 và phương hướng năm 2022 dưới sự chủ trì của ông Lasai Nuanthasing Giám đốc Sở Nông Lâm thủ đô Viêng Chăn, có sự tham dự của ông Vanthieng Phommasoulin Phó Cục trưởng Trồng trọt thuộc Bộ Nông Lâm Lào, các phòng Nông Lâm thuộc 4 huyện và đại diện các ban ngành liên quan.
Ông Lasai Nuanthasing cho biết: Đây là hội nghị chuyên ngành nhằm tổng kết việc triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng NDCM Lào, Nghị quyết Đại hội VII của Thành ủy Viêng Chăn, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ IX của thủ đô Viêng chăn, Chỉ đạo số 99 của Thủ tướng và nội dung triển khai Chương trình quốc gia của Sở Nông Lâm. Thủ đô Viêng Chăn thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong ngành trồng trọt nhất là ngô làm thức ăn chăn nuôi đạt 89.000 tấn, sắn đạt 90.000 tấn nhằm đáp ứng nhu cầu của các xí nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, các trang trại trong nước… và xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là xuất khẩu sắn khô và bột sắn sang Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh đó, các bộ phận liên quan đã nghiên cứu cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất hai loại nông sản nói trên.
Riêng việc canh tác sắn và ngô tại thủ đô Viêng Chăn thời gian qua có bước phát triển mạnh với sản lượng ngô đạt 3.234 tấn, sắn đạt 100.555 tấn. Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu của thị trường đối với sản lượng sắn khoảng 385.000 tấn, ngô khoảng 129.000 tấn, có thể thấy sản lượng hai loại nông sản nói trên tại Viêng Chăn chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc sản xuất hàng hóa trong ngành trồng trọt có sự kết hợp với các nhóm sản xuất và doanh nghiệp, cụ thể: hợp tác với công ty Siphi – Lào, công ty Khwamvangmai, công ty Indoxaina, công ty Crinphut tại 4 quận huyện là Xaythani, Naxaithong, Sangthong và Pakngum. Đây là 4 quận huyện có các thế mạnh về trồng trọt như diện tích sản xuất, đất, thủy lợi… Ngoài việc hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp theo hình thức 2+3 và 4+1 còn có sự hợp tác với Cục trồng trọt và Dự án kết nối vì phát triển hệ thống nông nghiệp (CLEAN), trong đó đã tổ chức ở 3 huyện được 24 nhóm sản xuất với 819 gia đình, canh tác trên tổng diện tích 1.205ha; đồng thời đã nhận được sự hỗ trợ trị giá 153 triệu Kíp cho cán bộ nông nghiệp cấp huyện, bản và các nhóm sản xuất.
Bên cạnh việc các xí nghiệp thức ăn gia súc và nông trường có nhu cầu lớn đối với các loại nông sản, nhất là ngô, việc đầu tư của doanh nghiệp vào các xí nghiệp chế biến nông sản còn thấp đồng thời việc sử dụng công nghệ mới trong sản xuất và việc phát triển xí nghiệp chưa đạt kỳ vọng đang tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất hiện nay.
Tổng hợp