Lạm phát và trượt giá đồng tiền Kíp của Lào kéo dài hơn một năm qua đã ảnh hưởng đến hàng nghìn lao động Nghệ An đang sinh sống và làm việc tại đây. Trong bối cảnh đó, người lao động đã tìm mọi cách xoay xở và thích ứng.
Trở về
Thôn Cẩm Thiết, xã Đại Đồng (huyện Thanh Chương) trước đây nổi tiếng bởi có hàng trăm lao động đi làm việc tại Lào. Người lâu đã gần 30 năm. Người ít hơn cũng có thâm niên vài năm có lẻ. Nhờ có lao động xuất ngoại, cuộc sống người dân trong làng mới dần ổn định, nhiều hộ khá, giàu…
Trong số những người gắn bó với nước bạn Lào, anh Nguyễn Hữu Thọ được xem là người kỳ cựu bởi tính cả những năm anh đi bộ đội, đóng quân ở Lào thì nay thời gian mà anh gắn bó cũng đã gần 30 năm.
Sau hơn 20 năm làm việc tại Lào, anh Nguyễn Hữu Thọ (xã Đại Đồng, Thanh Chương) đã về quê để ổn định cuộc sống. Ảnh: Mỹ Hà |
Nói về kỷ niệm với đất nước Lào, anh Thọ nhớ rất nhiều, từ những ngày còn quân ngũ. Sau này, ra quân, anh là một trong những lao động đầu tiên đi làm việc ở Lào. Chặng đường đi lao động xứ người của anh cũng lắm gian nan. Nhớ nhất là những năm đầu 2000, anh và các anh em công nhân tham gia mở đường từ biên giới Nghệ An sang Lào, nhiều tuyến đường các anh phải luồn lách trong rừng, đi qua những nơi vẫn còn phỉ quấy phá. Sau này, anh và các anh em chủ yếu làm xây dựng ở tỉnh Bô Ly Khăm Xay. Thu nhập không cao so với nhiều nước tiên tiến nhưng so với làm nông ở nhà thì ổn định và cao hơn hẳn. Nhờ làm việc ở Lào, anh và vợ nuôi con ăn học, xây nhà khang trang…
Khó khăn chỉ bắt đầu diễn ra từ đầu năm 2022, khi đồng tiền kíp bắt đầu bị mất giá. Ban đầu 1000 kíp Lào, khi đổi sang tiền Việt Nam có thể được 3.000 đồng. Sau này, lạm phát tăng cao, số tiền chênh lệch giảm nhanh từ xuống 2.700 – 2.500 đồng và cuối những năm 2022 thì 1.000 kip chỉ đổi được 1.400 đồng tiền Việt.
Nói thêm về điều này, anh Thọ cho biết: Tiền Lào mất giá nên anh em chúng tôi sau khi được trả lương, đổi sang tiền Việt không còn bao nhiêu. Trước đây, mỗi tháng làm được khoảng 20 triệu đồng, tiết kiệm chi tiêu có thể gửi về nhà một nửa. Nhưng đến khi lạm phát tăng cao, tiền làm ra chủ yếu đủ chi tiêu. Vì vậy, không chỉ tôi mà nhiều lao động khác đang làm việc tại Lào cũng quyết định về quê. Tôi nghĩ nếu mức thu nhập này thì người làm xây dựng như tôi về quê cũng có thể dễ dàng kiếm việc làm và có thu nhập tương tự. Trong khi đó, mình được gần vợ con, không phải sống cảnh “cơm nhà cháo chợ”.
Nhiều lao động làm việc tại Lào ở xã Đại Đồng đã trở về địa phương. Ảnh: Mỹ Hà |
Cùng làng, hai anh em Phan Văn Phú, Phan Văn Quý cũng vừa trở về từ trước tết và chưa biết đến khi nào mới quay trở lại. Chia sẻ về điều này, anh Quý cho biết: Nền kinh tế của Lào bị lạm phát, không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà còn ảnh hưởng đến nhà thầu. Thực tế, giá nguyên liệu tăng cao nên hầu hết các công trình bên Lào đều phải tạm dừng và công nhân xây dựng hầu hết đều bị thất nghiệp. Nếu ở lại, chúng tôi sẽ tốn rất nhiều chi phí. Mong muốn hiện nay của tôi là sớm tìm được việc làm ở quê với mức thu nhập ổn định để anh em có thể yên tâm hồi hương.
Toàn huyện Thanh Chương có khoảng 500 người làm việc tại Lào. Sau lạm phát, số người trở về ngày càng nhiều nhưng không thực sự xáo trộn. Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Hòe – Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Thanh Chương cho biết: Lao động ở huyện chúng tôi sang Lào làm việc chủ yếu làm trong lĩnh vực xây dựng. Do đó, khi trở lại địa phương họ không gặp quá nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm bởi nghề xây dựng hiện đang “khát” lao động, nhất là lao động có tay nghề.
Thích ứng
Thời kỳ cao điểm, xã Diễn Tháp (huyện Diễn Châu) có trên 2.000 lao động làm việc tại Lào. 30 năm trước, ít ai biết rằng, từ xuất phát điểm làm nghề đồng nát, vậy mà người dân trong xã lại “thích ứng” chuyển sang kinh doanh tại Lào và sau đó trở thành làng triệu phú.
Nói về điều này, ông Đậu Xuân Mạnh – Chủ tịch UBND xã kể thêm: Ngày trước xã Diễn Tháp nghèo lắm, bà con chủ yếu làm nông. Sau này, vì khó khăn, mưu sinh, người dân trong xã sắm xe thồ đi mua phế liệu “buôn đi bán lại” để sống qua ngày. Sau này, nghề phát triển, thay vì đi buôn phế liệu, người dân trong làng chuyển sang buôn hàng gia dụng và mở rộng thị trường sang Lào. Lúc đầu vốn ít, bà con buôn bán nhỏ chủ yếu bán chăn, đệm rồi nồi nhôm. Làm nhiều năm, có tiền, họ mở rộng sản xuất kinh doanh và nhiều người trở thành triệu phú, thành ông chủ lớn.
Xưởng sản xuất bẫy chuột để xuất bán sang Lào của người dân xã Diễn Tháp (Diễn Châu) đem lại việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Mỹ Hà |
Một trong những người được xem là kỳ cựu trong làng từng làm việc tại Lào đó là ông Nguyễn Đức Lung (xóm 5, xã Diễn Tháp). Cuộc đời ông cũng lắm thăng trầm bởi ông từng đi bộ đội ở Lào. Sau giải phóng miền Nam, ông phục viên rồi về làm cán bộ xã. Về hưu vào những năm 90, ông là một trong những người ở xã tiên phong qua Lào làm ăn. Theo ông Luân, việc làm ăn ở Lào khá đơn giản vì chủ yếu là buôn bán nhỏ. Bản thân ông sau nhiều năm đi bán hàng rong, có vốn, bèn mở một cửa hàng kinh doanh hàng hóa ở tỉnh Se Kong và chủ yếu là bán hàng gia dụng. Theo ông Lung, kinh doanh ở Lào giàu nhanh chính là nhờ “chênh lệch giữa tiền Lào và tiền Việt Nam”.
Thời điểm huy hoàng nhất là những năm 2000, người dân Diễn Tháp mua hàng ở Việt Nam giá rẻ, sau đó sang bán lấy tiền Lào và lại đổi lại tiền Việt Nam có thể xem là “một vốn bốn lời”. Vì làm ăn khấm khá, sau này cả ba người con của ông Lung đều sang Lào làm ăn và là một trong những gia đình thành công có “của ăn của để”. Tuy nhiên, gần hai năm trở lại đây, nhận thấy nền kinh tế Lào có nhiều biến động, đồng tiền mất giá, các con ông bắt đầu chuyển hướng, chỉ “cắm” một người ở Lào. Còn lại, chuyển về khu vực biên giới để kinh doanh khách sạn.
Ông Nguyễn Đức Lung cũng nói thêm: Làm ăn có thể lúc được, lúc không. Tuy nhiên, thay vì bị động, chúng tôi chủ động chuyển đổi nghề nghiệp để vẫn có thu nhập ổn định.
Một góc xã Diễn Tháp (Diễn Châu). Ảnh: Mỹ Hà |
Cũng như nhiều địa phương khác, người dân ở Diễn Tháp chịu nhiều ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế tại Lào, trong đó rõ nhất là ngành kinh doanh vận tải, xây dựng. Gia đình chị Lê Thị Hòa (cán bộ tư pháp ở xã) có chồng, bố đẻ và em trai đều đang làm việc tại Lào với nghề kinh doanh vận tải. Trước đây, công việc này khá tốt nên từ một xe chở hàng, gia đình góp vốn mua thêm xe để chuyên chở hàng từ Nghệ An sang Lào. Nhưng một năm qua, kinh tế khó khăn, thu nhập từ những chuyến hàng chỉ đủ để chi phí trang trải đi lại. Để bù vào thiếu hụt, gia đình phải mở rộng địa bàn, chở thêm nhiều loại hàng hóa và nhận làm thêm ga-ra…
Sự chuyển dịch nghề nghiệp cũng đang được thấy rõ ở xã Diễn Tháp trong khoảng vài năm trở lại đây. Rõ nhất là số lượng lao động đi làm việc tại Lào ngày càng giảm.
Thay vào đó, người dân hoặc là mở xưởng sản xuất kinh doanh tại nhà như vợ chồng chị Ngô Thị Hoa, anh Chu Văn Thiện – chuyển sang sản xuất bẫy chuột để bán sang Lào; một số người có nhiều vốn, kinh doanh ổn định thì tiếp tục đi lại giữa hai nước để duy trì khách hàng. Số còn lại, phần lớn là thanh niên, con em trong làng mới lớn lên lại chọn đi xuất khẩu lao động sang các nước có thu nhập cao. Hiện, thống kê tại xã có khoảng 700 lao động đang làm việc tại các nước châu Âu hoặc Mỹ, Canada. Thay vì chỉ phát triển kinh tế, người dân trong làng lại dành số tiền tích cóp được đầu tư cho con học đại học hoặc đi du học.
Sự thay đổi, thích ứng này, âu cũng là điều tích cực, đáng mừng!
Theo Baonghean