Chương trình Phòng chống các bệnh truyền nhiễm qua đường không khí (AIDP) đã chính thức được ra mắt tại Lào nhằm giúp các nước ASEAN tăng cường khả năng ứng phó với bệnh lao, củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe và chuẩn bị khả năng ứng phó với đại dịch để giải quyết vấn đề về các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp qua không khí đang ngày càng gia tăng.
Chương trình ra mắt chính thức được tổ chức bên lề của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN (AHMM) lần thứ 16 với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Y tế Lào – Bounfeng Phoummalaysith, cùng lãnh đạo các nước thành viên ASEAN và lãnh đạo các Tổ chức đối tác phòng chống bệnh lao.
Các đại biểu tham dự sự kiện sẽ nâng cao được hiểu biết về bệnh lao và khả năng ứng phó với đại dịch trên khắp ASEAN, tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan và cải thiện năng lực của các quốc gia trong việc giải quyết các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp và không khí.
AIDP được hỗ trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và thực hiện bởi Stop Bartnership và Stop TB Partnership Indonesia (STPI), một tổ chức phi chính phủ hoạt động hướng tới mục tiêu xóa bỏ bệnh lao. Chương trình AIDP này được các quốc gia thành viên ASEAN ủng hộ.
Theo Báo cáo toàn cầu về bệnh lao năm 2023, ước tính có hơn 2,4 triệu người trên khắp ASEAN bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Năm quốc gia ASEAN (Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) nằm trong danh sách có gánh nặng bệnh lao cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hơn nữa, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới các chương trình phòng ngừa và điều trị lao quốc gia khi lấy mất nhân sự và nguồn lực vốn cần thiết để điều trị lao. Theo ước tính, số ca tử vong do lao đã tăng thêm gần nửa triệu ca từ năm 2020 đến năm 2022.
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, ở Lào có 5 yếu tố rủi ro chính để gây ra bệnh lao gồm hút thuốc, uống rượu, suy dinh dưỡng, AIDS và tiểu đường. Tình trạng suy dinh dưỡng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao; nghiên cứu năm 2022 cho thấy có 41% người tham gia bị suy dinh dưỡng, trong số đó chỉ số chất dinh dưỡng của cơ thể thấp hơn 18,5; năm 2022, khoảng 10.000 người được chẩn đoán mắc bệnh lao, chiếm tỷ lệ 138/100.000 người và có trên 1.000 người tử vong do bệnh lao.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Lào cho biết “Đại dịch COVID-19 đã tác động đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Chúng ta cần rút kinh nghiệm và chuẩn bị tốt hơn cho bất kỳ tình huống tương tự nào trong tương lai, hệ thống y tế trong khu vực của chúng ta đang phát triển, chúng ta cần xây dựng hệ thống y tế vững mạnh và bền vững hơn. Chương trình phòng bệnh lao được quản lý bởi nhiều nguyên tắc có thể sử dụng cho các bệnh truyền nhiễm qua không khí, như các công cụ xét nghiệm nhanh, truy tìm người tiếp xúc, hệ thống kỹ thuật số và cộng đồng, hệ thống cảnh báo sớm. Chúng ta cần đầu tư vào mô hình công nghệ và xây dựng hạ tầng cơ sở có thể sử dụng cho các bệnh lây truyền qua đường không khí trong tương lai”.
Tham dự sự kiện, ông Viengsavan Kittiphong, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế Lào) cho biết, Lào đã ứng dụng các công nghệ mới như chẩn đoán GeneExpert để phát hiện bệnh lao, chụp X-quang kỹ thuật số và các công cụ chẩn đoán sớm để phục vụ cho việc phát hiện và điều trị bệnh lao. Lào cũng đã chia sẽ thông tin với các nước thành viên ASEAN khác để nâng cao năng lực trong phòng thí nghiệm, hỗ trợ sàng lọc và chẩn đoán sớm bệnh tật, cũng như tăng cường khả năng trong chăm sóc sức khỏe cơ bản.
Để thúc đẩy hợp tác trong cuộc chiến phòng chống bệnh truyền nhiễm qua đường không khí, AIDP sẽ làm việc với các nước thành viên ASEAN và các đối tác quan trọng trên toàn cầu để quyết định và thống nhất về các chính sách, biện pháp, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, sử dụng cơ sở hạ tầng, mô hình công nghệ và nhân lực trong việc nâng cao năng lực để chăm sóc, điều trị người bệnh lao và nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Giáo sư Tjandra Yoga Aditama – Cố vấn cấp cao của Stop TB Parnership Indonesia và Trưởng dự án AIDP nhấn mạnh số ca tử vong cao do COVID-19 cho thấy thế giới không có sự chuẩn bị để chống lại đại dịch. Ngoài việc mất đi sinh mạng con người, COVID-19 còn tác động nghiêm trọng đến các chương trình phòng ngừa, tiếp cận và điều trị lao.
Tình hình bệnh lao ở ASEAN khá đáng lo ngại, khi nhiều quốc gia trong khu vực vẫn đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc kiểm soát và quản lý bệnh lao. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc hợp tác với ASEAN để tăng cường hệ thống ứng phó với bệnh lao, không chỉ nhằm tạo ra năng lực ứng phó cấp độ cao đối với bệnh lao mà còn tăng cường khả năng phòng ngừa đại dịch,” Giáo sư Tjandra Yoga Aditama chỉ rõ.