Người Lào ăn tết Bunpimay vào trung tuần tháng tư, khi những trận mưa đầu mùa như những giọt sữa của trời tưới xuống mặt đất khô cằn, cây cối lại tốt tươi, người dân vào vụ mới. Mưa cũng dập tắt những đám cháy rừng nghi ngút khói, kéo dài hàng chục ngày do người dân đốt rẫy.
Với cánh lính ở chốt, khi mưa rào được tắm trần vô cùng thích thú, vừa mát vừa hứng được nước sinh hoạt không phải xuống khe gùi. Mùa mưa cũng là mùa địch hoạt động nống, lấn ra vùng giải phóng của ta. Mấy ngày qua, máy bay địch liên tục lớn vởn, săm soi các trận địa của đại đội, dấu hiệu chúng chuẩn bị tấn công. Anh em đã được lệnh sẵn sàng chiến đấu cao.
Ngày 8/8/1966, sau những ngày mưa tầm mưa tã, nay trời trong xanh, nắng vàng rực rỡ từ sáng sớm, không gian êm ả. Mùa thu Bắc Lào thật tuyệt. Buổi chiều hết phiên gác, tôi xách súng vào hầm của Nguyễn Thế Hãng nuôi quân nằm nghỉ, vừa thiu thiu ngủ bỗng có tiếng máy bay AD6 xẹt qua đồi, nó bay thấp đến mức có cảm giác như tung nắp hầm lên vậy. Tôi vội xách khẩu AK lao ra chiến hào. Tiếng Lương Tấn Linh hô lớn: “Máy bay! Vào vị trí chiến đấu”. Chiếc AD6 thứ nhất bổ nhào. Linh ngắm bắn 2 loạt thượng liên. Tôi reo lên “Linh lên tiếng rồi”! Tất cả chúng tôi đã vào các vị trí chiến đấu của mình. Tốp AD6 có 2 chiếc, không có L19 chỉ điểm. Nó vòng rất hẹp, bay rất thấp. Từ hướng Đông Nam chiếc thứ hai bổ nhào. Khẩu thượng liên chưa thấy nhả đạn đã nghe tiếng nổ chát chúa của quả rốc két từ chiếc máy bay phóng xuống. Nó bắn Linh rồi. Tôi chạy theo vòng cung chiến hào về phía trận địa thượng liên. Trời ơi! Một cảnh tượng làm tôi giật thót, bàng hoàng: Khẩu thượng liên gẫy nát, cong vênh, Lò Văn Lay nằm sấp, đất cát phủ trên lưng, còn Linh đâu?… Hình hài Linh không ai nhận ra.Hai chiếc máy bay lượn một vòng nữa rồi cút hẳn. Bầu trời trở lại yên tĩnh, không gian u ám, khét lẹt. Khẩu đội thượng liên chỉ còn lại Đinh Văn Sơ đi lùng sục chưa về. Chúng tôi lau rửa, gói ghém 2 đồng chí của mình giao cho lực lượng cơ động chuyển về phía sau mai táng. Lương Tấn Linh 23 tuổi ở Gia Lộc, Hải Dương. Anh nhập ngũ tháng 8/1964, đã có vợ, mới hôm nào anh khoe là vợ vừa sinh con gái, ai cũng mừng cho anh. Tính anh xởi lởi, ăn to nói lớn, bộc trực nhưng tốt bụng. Lò Văn Lay thân hình vạm vỡ, nói năng nhỏ nhẹ, anh là người dân tộc Thái quê Than Uyên, nhập ngũ tháng 2/1965, hoàn cảnh gia đình khá éo le, mẹ mất sớm, có ba anh em, Lay là anh lớn của hai em 1 gái, 1 trai; bố lấy vợ hai, bà này chỉ hơn Lay 2 – 3 tuổi, lại là bạn học của nhau, nay về làm mẹ kế nên rất khó cư xử. Trước lúc hy sinh, các anh đã nhằm thẳng kẻ thù mà bắn. Với chúng tôi Lương Tấn Linh, Lò Văn Lay là những người anh hùng.
Trận oanh tạc diễn ra quá nhanh, quá bất ngờ khiến cho chúng tôi hết sức bàng hoàng, đau đớn. Chúng tôi xác định sự hy sinh mất mát sẽ không dừng lại, những ngày tới sẽ còn ác liệt hơn. Cây đàn vi-ô-lông của Vũ Hà không còn du dương với giai điệu “Quê em” hay “Làng tôi”. Tất cả đã sẵn sàng vào trận mới!.
Ở trên chốt, ngày thật dài, mặt trời mọc sớm, lặn muộn, từng tốp phản lực bay cao tít từ phía Thái Lan hướng về miền Bắc nước ta. Khi qua vùng trời này, nhiều hôm bị pháo cao xạ của ta bắn trả quyết liệt, chúng không thể cắt hết bom, khi về qua đây chúng thả tự do, bom rơi vô tội vạ, đã có những hy sinh do bom rơi bất chợt như thế. Nhưng sẽ có những trận bom được chúng ngắm cho rơi đúng chỗ chúng tôi đứng đây.
Để bảo toàn lực lượng, chúng tôi phân tán đội hình. Nhận định,ban ngày khi máy bay oanh tạc thì địch mặt đất sẽ không tấn công. Nhưng nếu máy bay cứ bố nhào thấp, bắn hàng tràng 20 ly thì có thể đó là đạn giấy, phải hết sức cảnh giác với bọn bộ binh bí mật bò lên. Nhiệm vụ của chúng tôi là giữ bằng được chốt, ban ngày chỉ để lại trên chốt một tổ 2 – 3 người trực, còn lại sơ tán ra khu rừng phía nam, cáchchốt 80 – 100m. Ở đó phải đào công sự trú ẩn bí mật, an toàn và sẵn sàng cơ động chiến đấuĐồi Cháy là một quả đồi có đỉnh rất rộng, mặt đồi khá bằng phẳng, chỗ rộng nhất khoảng 45-50m, chỗ hẹp cùng 20m. Ở giữa đỉnh đồi chúng tôi san phẳng làm sân tập thể dục. Đồi chia làm 2 nửa, nửa phía đông nam nhỏ, hẹp đặt trận địa và một hầm ngủ cho Khẩu đội cối 60mm, còn toàn bộ lực lượng bố trí ở phía tây bắc. Giữa 2 nửa là 1 thung nhỏ, chúng tôi cải tạo thành một vườn trồng các loại rau. Trên đồi cao mùa đông khô hạn nhưng đêm sương mù ẩm ướt, nhiệt độ giảm sâu nên su hào, bắp cải rất to và chắc, ngọt lừ. Nước vo gạo, nước rửa mặt… tất cả đều phải chứa lại để tưới rau. Vào mùa hè thì có nước mưa nên rau muống, rau dền đều mơn mởn. Vườn rau đã góp phần quan trọng vào bữa ăn của chúng tôi.
Chiều ngày 12/8/1966, một tốp 2 chiếc AD6 vẫn như mọi lần ào ào ập đến khu vực phòng ngự của chúng tôi, chúng lượn quanh 2 vòng, bỗng 1 chiếc bổ nhào xuống trận địa đại liên của đại đội, cắt bom, 2 quả bom nổ sát vách đá dưới chân đồi. Lúc đó khoảng 15 giờ, 2 xạ thủ trực chiến, đang ngồi thái “sâm rừng” ngay cạnh trận địa, lập tức nhảy vào công sự. Trận địa đại liên đặt trên 1 ngọn đồi, phía bắc vách đá dựng đứng, phía nam triền đất thoai thoải, cỏ tranh ngang đầu gối, cách đồi đại đội chừng 400m đường chim bay, cách chốt tiền tiêu khoảng 800m nên chúng tôi quan sát rất rõ mọi diễn biến của trận oanh kích. Chiếc thứ 2 ngóc lên cao rồi bổ nhào, chong chóng ở đầu và 2 cánh nó rít xé gió, chúng coi thường hỏa lực phòng không của ta, bổ nhào rất thấp, lại còn chao, ngoáy khiêu khích! Bỗng 2 loạt đại liên vang lên xuyên thẳng vào đầu nó. Tức thì một quầng lửa đỏ rực trùm lên, chiếc máy bay cứ thế lao vun vút xuống, nổ tung tại sân bay Phu Noọng, chỉ cách đồi đại đội 200m. Toàn bộ bom đạn nó chưa kịp cắt đã cùng nổ với chiếc máy bay. Tiếng nổ rung chuyển cả một vùng. Chúng tôi hò reo vang trời. Đây là chiếc máy bay đầu tiên Đại đội 2, Tiểu đoàn 7 của chúng tôi bắn hạ tại chỗ trên chiến trường Lào. Chỉ với 2 điểm xạ ngắn, 9 viên đạn, Nguyễn Ngọc Võ lập chiến công xuất sắc và anh đã trả thù cho Linh và Lay. Chỉ khoảng 15 phút sau chúng bu đến đủ các loại tàu bay như nhặng, nào phản lực bay tít trên cao, T28, AD6, L19, trực thăng. Không gian cả một vùng sôi lên sùng sục. Bọn trực thăng nghiêng ngó, sà rấtthấp, chong chóng quạt phành phạch dạt cả vạt rừng và cỏ tranh. Chiếc máy bay vẫn cháy, khói đen kịt. Trung đội cơ động đã bí mật áp sát khu vực máy bay rơi, nếu trực thăng hạ cánh cứu giặc lái là nổ súng ngay. Nhưng chúng quần đảo mãi đến gần tối, không thấy tín hiệu của tên phi công dưới đất, không còn hy vọng, chúng lần lượt chuồn hết. Phu Noọng trở lại bình yên, sự bình yên như “sóng ở đáy sông”. Đêm hôm đó cả đại đội vui mừng phấn khởi. Linh – Lay ơi, đồng chí Nguyễn Ngọc Võ đã trả thù cho hai cậu rồi, chắc tên giặc lái đó chính là thằng đã bắn quả rốc két vào trận địa thượng liên của Linh, Lay. Nợ máu dứt khoát phải trả bằng máu. Chiến công của Võ đã làm nức lòng toàn thể cán bộ chiến sĩ. Thủ trưởng đại đội thông báo, Đài BBC đã đưa tin lúc 21 giờ về sự kiện này. Sáng sớm hôm sau, 1 tiểu đội do Đại đội phó Điều Chính Yêu trực tiếp chỉ huy xuống kiểm tra, chiếc máy bay vỡ tan tành, vẫn âm ỉ cháy khét lẹt, tên giặc lái chết cháy nằm ngay trong khoang lái méo mó nhưng chỉ còn lại một phần thân thể. Nó bổ nhào quá thấp, khi trúng đạn nó không thể ngóc đầu lên, cũng không kịp bấm dù cho nên tử nạn luôn cùng máy bay. Anh em tìm được chiếc đồng hồ bị vỡ mặt kính, khi cầm lên nó lại chạy tích tắc, 1 tấm thẻ hình chữ nhật in chữ Thái Lan loằng ngoằng, có ảnh tên phi công, trên ve áo có 2 bông mai, chắc nó cấp bậc trung úy. Tìm mãi còn thấy một khẩu súng lục kiểu côn quay còn nguyên ổ đạn và một số thứ lặt vặt khác. Số chiến lợi phẩm đó được nộp lên tiểu đoàn.
Từ sau sự kiện ngày 8 và 12/8, tình hình hết sức căng thẳng, ngày nào cũng đủ loại máy bay quần đảo, oanh tạc, có ngày 3 – 4 trận vào chốt của chúng tôi, mặt đồi bị cày xới tan nát, nham nhở, hầm hào bị sập. Đàn gà cũng bị điếc ngơ ngác rất tội nghiệp.
Ngày 20/8, chiều tà khi lũ “Con ma”, “Thần sấm” đã trút hết bom đạn lên Đồi Cháy, chúng chuồn về căn cứ bên đất Thái. Các tổ sơ tán lần lượt trở về, anh em gặp lại nhau, ôm lấy nhau mừng vui khôn xiết. Ở trên đồi cao trời vẫn nắng, nhưng phía lưng đồi trở xuống là sương mù. Đỉnh đồi nhô lên khỏi những đám mây trắng bạc, trông như con tàu lướt sóng giữa trùng khơi. Chúng tôi siết chặt tay nhau, sống chết có nhau trên con tàu ấy!Nguyễn Thế Hãng bắc bếp nấu cơm, tôi xách lồng gà từ trong hầm ra ngoài cho đàn gà con hít thở không khí sau 1 ngày bị vùi dập trong bom đạn. Chúng nhớn nhác sợ sệt cứ quấn lấy chân chúng tôi, nhìn thương lắm. Vườn rau tan nát. Hãng vo gạo cũng phải rất nhẹ nhàng kẻo gạo mủn ra nước, những con mọt gạo nổi đen trên mặt chậu nước (gạo và nước là 2 thứ chiến lược của bất kỳ trận địa chốt nào, anh em chia làm 2 vị trí bảo quản: 1 phần để trong 3 hầm trên chốt, 1 phần mang sơ tán ra rừng cũng được để dưới hầm). Trong lúc Hãng và một số anh em phụ giúp nấu cơm, số còn lại sửa chữa chiến hào, dọn hầm ngủ, vài anh ngồi lau chùi súng đạn. Bỗng một tiếng nổ rung chuyền đất trời, tôi đang ngồi cạnh bếp bị hất ngửa ra thành chiến hào. Đất đá rơi rào rào, uỳnh uỵch. Chúng tôi chưa biết chuyện gì đã xảy ra thì một tiếng nổ nữa không kém tiếng nổ trước. Rất may bếp đặt dưới đoạn hào thấp tránh bị gió tạt nên chúng tôi được các hàm ếch che đỡ không bị đất đá đè vào người, xoong nồi bật tung lên, nồi cơm coi như mất. Thì ra nó thả bom nổ chậm. Đến tận nửa đêm vẫn còn 2 quả nữa nổ, không biết chúng thả bao nhiêu quả, còn hay đã hết, không ai dại mà lảng vảng lên mặt đất nhưng lại phải đề phòng địch mò vào đánh lén, chỉ có chúng mới biết số bom đã thả xuống. Đêm đó thật căng thẳng.
Sáng hôm sau nhìn 4 hố bom như 4 cái miệng núi lửa, toang hoác. Tất cả 4 quả bom nổ chậm, bom phát quang, đều rơi tập trung phía tiền duyên, ý đồ của địch là phá hủy bãi mìn của ta, dọn đường cho bộ binh tiếp cận! Rất may không ai việc gì ngoài bị sức ép, ù tai. Đàn gà thực sự hoảng loạn. Đến chiều, quản lý, y tá Đại đội và Tiểu đội 1 mang lên cho chúng tôi ít đường, sữa, rau tàu bay, cá khô, “sâm rừng” khô và bông băng. Chúng tôi tặng cả đàn gà cho anh em mang về nơi giấu quân nuôi. Chia xa đàn gà, mừng vì chúng đã thoát cảnh bom đạn, nhưng lòng tôi bâng khuâng!
Ngày 22/8, bom đạn rồi cũng quen. Ngày ngày chúng tôi vẫn phải thay phiên nhau xuống chân đồi gùi nước, tắm giặt, vẫn phải tìm mọi cách cải thiện bữa ăn. Quân số lại giảm: Khẩu đội DKZ82 của H, đại đội điều về phía sau. Địch cũng đã mò vào Đồi Xanh gài mìn ngay đường mòn đi lấy nước, Tiểu đội trưởng Lê Thanh Giang hy sinh, Lường Văn Sết bị thương. Đồi Cháy của chúng tôi bổ sung sang Đồi Xanh 2 chiến sĩ.Buổi sáng như thường lệ, Lò Văn Lai vừa trực gác vừa đánh bẫy chim, sóc phía rìa đồi. Thấy trên thân cây gỗ đỗ nấm mọc tua tủa, những chùm nấm màu trắng hồng mềm mại nhìn thật hấp dẫn, Lai hái 1 nằm mang về giao cho Hãng anh nuôi. Hãng làm thịt mấy con sóc vừa bẫy được, nướng vàng, băm nhỏ nấu với nấm thơm lừng, chúng tôi ăn ngon lành, khen Lai tài kiếm nấm. Cánh lính đồng bằng thì chả biết gì về nấm nên sợ hái phải nấm độc, còn mấy cậu ở Tây Bắc đều có thâm niên hái nấm, ăn nấm nên ai nấy yên tâm chén thả phanh. Nào ngờ chỉ khoảng tiếng sau, anh nào anh nấy nôn thốc nôn tháo, nôn ra mật xanh, mật vàng, đầu đau như búa bổ, đờ đẫn, mệt lử, mắt mờ, bụng đau quặn. Say nấm rồi! Lạ thay cái ông Tịch cũng ăn mà còn ăn nhiều lại không bị say. Ông chạy đôn chạy đáo lo động viên mọi người “nôn ra được là tốt rồi!”… Tay Lai là người Thái (Than Uyên) giàu kinh nghiệm thế mà lại hái nhầm nấm độc. Cũng may buổi chiều hôm ấy có mưa, máy bay địch không oanh tạc, địch mặt đất vẫn im ắng, ông Du không dám báo cáo đại đội, chúng tôi được phen hú vía. Còn Lai thì buồn lắm, ân hận lắm…
Vài ngày sau, trận đọ sức quyết liệt của anh em trên chốt với một đại đội bộ binh địch đã diễn ra vô cùng quyết liệt. Noi gương Lương Tấn Linh, Lò Văn Lay… đã có nhiều đồng chí chiến đấu, hy sinh quên mình để bảo vệ chốt. Hình ảnh họ mãi mãi là niềm tự hào của những người lính tình nguyện Việt Nam.
Hoàng Đạo