Savanakhet thu hút du khách gần xa bởi những công trình tôn giáo cổ kính, mang nhiều giá trị kiến trúc, nghệ thuật, tâm linh trong đời sống tín ngưỡng của người dân Lào.
Một vùng kinh tế năng động trên Hành lang kinh tế Đông- Tây
Savanakhet là một tỉnh thuộc miền Trung Lào, nơi có tuyến đường huyết mạch kết nối Hành lang kinh tế Đông – Tây đi qua, được kỳ vọng sẽ là con đường để những địa phương nằm sâu trong lục địa của các nước Tiểu vùng sông Mekong vươn ra biển lớn.
Hành lang kinh tế này dựa trên một tuyến đường bộ dài 1.450 km, bắt đầu từ cực Tây là thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar), đi qua bang Kayin (Myanmar), nối với các tỉnh: Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon, Mukdahan (Thái Lan), Savanakhet (Lào), Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và cực Đông là thành phố Đà Nẵng của Việt Nam. Hành lang sẽ giúp vùng Đông Bắc của Thái Lan và Lào tiếp cận với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Hành lang này còn kết nối với các tuyến giao thông Bắc – Nam như Yangon – Dawei của Myanma, Chiang Mai – Bangkok của Thái Lan, quốc lộ 13 của Lào và quốc lộ 1A của Việt Nam.
Với những kỳ vọng lớn lao như vậy, chuyến Carnaval cuối tháng 7/2007 do Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khi ấy dẫn đầu, có đại diện lãnh đạo các ngành Ngoại giao, Văn hóa – du lịch 4 nước, lãnh đạo các tỉnh miền Trung và rất đông các doanh nghiệp, nhà báo, Việt kiều tham gia.
Ấn tượng của chúng tôi khi ấy về Savanakhet chỉ đơn giản, đó là một tỉnh lớn của Lào nằm trên trục liên kết Đông – Tây, một mắt xích mang theo bao kỳ vọng về một kế hoạch hợp tác để vực dậy những vùng đất vốn rất khó khăn của 4 quốc gia Myanma- Thái Lan- Lào và Việt Nam.
Không ai nghĩ, 13 năm sau, tôi lại có mặt ở Savanakhet để chứng kiến những thay đổi của miền đất này như những gì mà ông Bí thư – Tỉnh trưởng Savanakhet năm ấy – ông Vilayvanh Phomkhe, đã nói khi buộc chỉ cổ tay cầu phúc cho cánh nhà báo chúng tôi bằng tất cả sự kỳ vọng của mình về sự phát triển trong tương lai của quê hương ông.
Câu chuyện với ông sau 13 năm gặp lại tại Vientiane thôi thúc tôi thực hiện chuyến hành trình phương Nam để được trở lại mảnh đất nắng gió đầy kỷ niệm ấy. Hay nói cách khác là muốn được tận mắt thấy Savanakhet đã tận dụng những cơ hội mà tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây mang lại như thế nào để biến tiềm năng phong phú của mình thành nguồn lực phát triển, xứng đáng với vị trí là thủ phủ của miền Trung Lào.
Savannakhet bây giờ đã khác. Đường sá, phố phường, nhà cửa đã khang trang hơn. Là một trong những tỉnh có diện tích lớn nhất và dân số đứng thứ hai của Lào với hơn 82 vạn người, Savanakhet được xem là một cực phát triển ở miền Trung Lào với tốc độ phát triển bình quân gần 10% trong nhiều năm.
Nhờ có vị trí chiến lược khi nằm trên Hành lang kinh tế Đông-Tây, và là cầu nối của khu vực ASEAN, mấy năm gần đây, Đặc khu kinh tế Savan-Seno của Savanakhet đã trở thành khu kinh tế năng động hàng đầu của Lào với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn từ nước ngoài. Hiện đã có hơn 70 công ty từ nhiều quốc gia đăng ký đầu tư, chủ yếu là các lĩnh vực công nghiệp ô tô, thiết bị viễn thông, công nghệ, phụ tùng máy bay, mỹ phẩm, đồ chơi, sản phẩm điện tử, linh kiện máy ảnh… Từ một vùng rừng núi hoang vu, giờ đây Sava- Seno đã trở thành một trung tâm công nghiệp, thương mại rộng hàng trăm hecta với nhiều sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu “Made in Laos”.
Ngoài ra, cảng cạn Savannakhet thuộc Khu kinh tế này cũng đang trở thành một trung tâm Logistic quan trọng của khu vực khi mỗi ngày có hàng trăm lượt xe vận tải, xe container vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam ra vào sử dụng dịch vụ. Trong chuyến thăm và làm việc mới đây, Thủ tướng Lào Thongloun Sisulith đã kỳ vọng rất nhiều vào sự phát triển của cảng cạn Savanakhet trong tương lai với nguồn hàng hóa lớn từ Trung Quốc sẽ được vận chuyển đi Singapo bằng đường bộ, khi tuyến đường sắt Lào – Trung đi vào khai thác trong mấy năm nữa.
Savaknakhet ngày càng được các doanh nghiệp trong và ngoài nước chú ý nhiều hơn nhờ các chính sách ưu đãi đầu tư được Chính phủ Lào và chính quyền địa phương ban hành về thuế, đất đai, nguồn lao động…, họ cảm thấy yên tâm hơn khi đến Savanakhet bỏ vốn làm ăn. “Hiện có khoảng 20 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào Savannakhet với số vốn khoảng 500 triệu USD. Tỉnh đang khuyến khích các doanh nghiệp từ miền Trung Việt Nam, nhất là Đà Nẵng sang đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trồng cây nguyên liệu và chế biến hàng hóa xuất khẩu, du lịch…” – ông Sukthasak Phanthalatk – Phó giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Savanakhet cho biết.
Con đường đậm nghĩa tình nghĩa Việt – Lào
Trong số các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Savanakhet, Công ty cổ phần Quasa Geruco Lào thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam được xem là doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả trên địa bàn các huyện phía đông của tỉnh là Sepon, Muong Phin và Muong Nong. Từ tỉnh lỵ Savanakhet vượt gần 150 km theo quốc lộ 9 về Sepon, con đường thênh thang băng qua nhiều làng mạc, những quả đồi nối tiếp nhau hai bên đường được phủ lên một màu xanh non của cao su mới trồng vài ba năm tuổi, chúng tôi đã thấy được sức sống kỳ diệu của mảnh đất này, nơi mà mấy mươi năm trước, được xem là con đường của chiến tranh, chết chóc. Đường 9 bây giờ là con đường của sự sống lên xanh.
Đến Sepon cách cửa khẩu Lao Bảo mấy cây số là có lối rẽ vào Nhà máy chế biến mủ của công ty. Con đường đi giữa những vườn cây cao su mới trồng, cùng những nương sắn, chuối đang lên xanh. Nhà máy được xây dựng ngay trong vùng nguyên liệu. Tại đây, hàng chục công nhân đang miệt mài làm việc. Ngoài một số công nhân kỹ thuật chính, hầu hết lao động là người Lào. Bounthan Xayasen, anh thanh niên người bản Huổi Lua, muong Sepon làm công nhân cao su mới 2 năm cho biết: “mặc dù năm nay có dịch covid nhưng công ty luôn đảm bảo việc làm cho công nhân, thu nhập bình quân từ 5 – 7 triệu triệu đồng mỗi người một tháng, cao hơn nhiều so với làm ruộng”.
Đến nay Công ty đã trồng được hơn 7.300 ha cao su trên tổng diện tích 8.000 ha của dự án. Trong đó có 5.000ha đã cho khai thác. Nếu không có gì thay đổi thì năm nay, công ty sẽ thu được khoảng 7.600 tấn mủ. Cùng với khoảng 2.500 tấn mủ thu mua của dân, sau khi chế biến xuất khẩu sẽ cho doanh thu gần 310 tỉ đồng, lãi ròng hơn 16 tỷ đồng, nộp ngân sách 14 tỷ đồng.
“Thành công của cây cao su trên đất Savanakhet không chỉ là xuất khẩu được mấy nghìn tấn cao su thành phẩm, thu về bao nhiêu triệu USD, mà còn ở nhiều giá trị khác. Đó là tạo việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội bằng việc đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế…” – ông Lê Chí Hoàng, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ.
Vùng đất Sepon của Savanakhet còn được biết đến với những mỏ vàng, mỏ đồng có trữ lượng khá lớn. Hoạt động vào năm 2002, mỏ vàng Sepon đã cho sản lượng hơn 1.2 triệu ounce vàng và 1 triệu tấn đồng tinh luyện, đóng góp hơn 1, 5 tỷ USD cho ngân sách nhà nước Lào, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương
Mảnh đất văn hóa và mến khách
Nếu như cố đô Luangprabang được gọi bằng cái tên mỹ miều “Thành phố giấc ngủ trưa” thì Savanakhet lại được gọi là “Thành phố thiên đường”, xuất phát từ các từ Savanh Nakhone. Savanh trong tiếng Lào có nghĩa là Thiên đường.
Tuy không có nhiều di tích lịch sử lâu đời như ở Luangprabang hay là một đô thị phát triển như Vientiane, nhưng Savanakhet lại thu hút du khách gần xa bởi những công trình tôn giáo cổ kính, mang nhiều giá trị kiến trúc, nghệ thuật, tâm linh trong đời sống tín ngưỡng của người dân Lào.
Tọa lạc ngay bên bờ sông Mekong, Wat Sainyaphum là ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 1542, có kiến trúc nguy nga, tráng lệ thu hút hàng chục nghìn khách đến tham quan, chiêm bái mỗi năm. Chùa còn là trường Phật học Phạn ngữ đào tạo tăng sĩ đệ nhị cấp. Du khách đến đây không chỉ để tham quan, vãn cảnh chùa mà còn muốn tìm về với cõi tĩnh mịch, an nhiên.
Một điểm đến khác không thể bỏ qua trong hành trình đến với Savanakhet là Thánh địa Phật giáo Ing-hang, cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 12km về phía Đông Bắc. Khu di tích chùa, tháp Ing-hang được xây dựng từ thế kỷ 16, tương truyền là nơi thờ xá lợi của Đức Phật. Ngôi chùa này không chỉ thu hút khách hành hương bởi các giá trị tín ngưỡng linh thiêng mà còn hấp dẫn bởi những vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc Phật giáo. Trung tâm của chùa là That Ing-hang – một ngôi tháp hình vuông, cao tầm 30m ở giữa khuôn viên. Xung quanh được trang trí bởi nhiều tượng Phật nhỏ, xếp liên kề nhau. Đến đây du khách sẽ cảm nhận được sự thanh tịnh, bình yên với cảnh sắc thiên nhiên tĩnh lặng, con người như quên đi mọi lo toan, ưu phiền của đời thường.
Thị xã tỉnh lỵ của Savanakhet bây giờ đã đổi tên thành thành phố Cayson Phomvihan – mang tên nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Lào. Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Cayson Phomvihan là một địa chỉ tham quan, giáo dục truyền thống cho khách tham quan và các thế hệ người Lào về vị lãnh tụ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Lào.
Khu di tích Liên minh chiến đấu Lào- Việt bản Đông, Khu bảo tồn quốc gia nai Cà toong tại huyện Xonnaboury, gần thành phố Cayson Phomvihan cũng là những điểm tham quan, dã ngoại được nhiều người biết đến.
Trên con đường 9 thênh thang, Savanakhet không chỉ là “chốn thiên đường” trên câu chữ, mà thực sự đã là điểm hẹn của các nhà đầu tư với nhiều dự án phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ tận dụng lợi thế của Hành lang kinh tế Đông- Tây; là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế để ít nhất một lần được chạm tay vào xứ sở của những điệu Lamvong nhẹ nhàng, được thưởng thức những món ăn đặc sắc, cảm nhận được tấm chân tình, mến khách của con người nơi đây; được quá bước chân qua cầu Hữu Nghị 2 sang với tỉnh Mukdahan – miền Đông bắc Thái Lan để một lần lạc bước vào rừng đá, thưởng thức nhiều loại trái cây đặc sản của vùng đất trù phú bên dòng sông Mekong này.
Khách du lịch từ Thái Lan, Lào cũng sẽ thỏa lòng với tour du lịch đường bộ một ngày ăn cơm 3 nước: Sáng ăn cơm Thái Lan, trưa ăn xôi Lào, tối ăn cơm hải sản ở Đà Nẵng – Việt Nam./.
Theo VOV