(Đồi Năm Mỏm – mùa mưa 1972 – Phần IV)
Tôi cùng Giao xách AK nhanh chóng trở ra hướng vừa cõng anh Đại vào, hai đứa chọn cây thông già to nhất cỡ hai người ôm, từ đây chúng tôi nhìn xuống chân đồi tương đối rõ, địch vẫn lũ lượt hành quân vội vã vào phía bìa rừng, tiếng súng của các chiến sỹ c2 hình như thưa dần. Tôi và Giao ôm súng áp sát người vào thân cây thông già quan sát, một tốp khoảng hơn 20 tên địch đang băng về phía chúng tôi. Không ai bảo ai, ngay lập tức chúng tôi cùng nổ súng, bóng địch đổ xuống, lại thấy mấy thằng chạy tới xốc dìu quay lại, nhưng vẫn có mấy thằng xông lên. Được thể chúng tôi điểm xạ thêm vài loạt. Cả hai đã thay thêm băng đạn mới và căng cò bắn cấp tập. Trên đồi, mấy anh em cũng đồng loạt tập chung bắn vào đội hình địch. Lại có thêm những bóng địch giục ngã. Chúng vội vã nằm xuống và kéo những đứa bị thương lùi lại. Không có tên nào giám xông lên. Bọn địch phía sau dàn hàng ngang bắn xối xả về phía chúng tôi để hỗ trợ đám lính bị thương lui xuống. Tiếng nổ cùng tiếng rít của đạn địch bay như chùm lên mấy cây thông già. Lá thông và những nhành thông rơi tả tơi trên đầu. Có những tiếng gió lạnh vèo ngay sau gáy cùng một mảng vỏ thông vỡ toác bay ngang đầu tôi… Giao kêu lên: “Thôi đừng bắn nữa…!”
Lính đánh thuê Thái Lan và lính Đặc biệt của tướng phỉ Vàng Pao đổ quân lấn chiếm vùng giải phóng Lào trong Kháng chiến chống Mỹ
Trên sườn đồi mấy chiến sỹ vẫn đang bắn về phía địch, lúc này chúng đã tản ra và đang lui nhanh về phía cửa rừng. Hai đứa dừng bắn ép sát mình sau cây thông già quan sát, thì ra trước đó lính ta tạm ngừng bắn, tưởng có thể tràn lên tiêu diệt được các chiến sỹ c2, chúng đã liều lĩnh xông lên vào đúng lúc tôi và Giao ra kịp tiếp sức cùng anh em đang trên sườn mỏm Hai bắn trả.
Cùng lúc, nỗi lo ập tới trong chốc lát. Nếu chúng hò hét cả đội quân đông như kiến cỏ xông lên chắc chúng tôi buộc phải sống mái với chúng. Giờ này đại đội trưởng cùng 8 chiến sỹ đã hy sinh, trên 10 người bị thương đang nằm rải rác ở sườn đồi và dưới gốc mấy cây thông già, đại đội phó Đam lại cơ động về sau gọi chi viện của tiểu đoàn. Trước trận đánh, cả đơn vị có gần 40 tay súng, giờ này chỉ còn hơn mười người trụ lại. Mọi người nhanh chóng tìm cho mình vị trí tiện lợi tránh được đạn địch bắn thẳng và quan sát sẵn sàng đáp trả nếu chúng lại liều lĩnh xông lên.
Biết không thể đè bẹp được đối phương chúng đành dìu số thương vong quay lại. Tiếng súng của cả hai bên thưa dần, hầu như cả hai cảm thấy mệt mỏi, riệu rã. Địch vội vã đi về phía bìa rừng, hẳn chúng muốn sớm lọt vào rừng xanh hơn là giao chiến với đội quân ít ỏi gan góc của C2.
Dấu vết bom đạn Mỹ và ngụy Lào trên chiến trường Xiêng Khoảng trong Kháng chiến chống Mỹ
Trên trời, máy bay OV-10 lượn đảo liên hồi, T28 xà thấp và kéo theo những tiếng rít rợn người song có lẽ chúng không phân biệt đâu là gianh giới hai bên nên chẳng biết phải xả đạn, ném bom vào chỗ nào, quần đảo một hồi dài mà không biết làm gì rồi cũng đánh bài chuồn.
Sương mù đã thưa dần.Trận địa im lìm như trước đó chưa hề có chuyện gì xảy ra, chỉ còn lại mùi khét lẹt của súng đạn, mùi tanh của máu cùng với những cảm xúc trống vắng, bần thần khó tả. Bầu trời quang dần, sương chỉ còn lảng vảng, vương vãi lơ thơ như những cụm khói của súng đạn vừa nổ. Một khung cảnh hoang tàn và lạnh lẽo đến nao lòng. Trời đã quá trưa, chúng tôi tập trung băng bó cho thương binh. Khi băng cho một chiến sỹ, chúng tôi ái ngại và thương anh ấy quá. Mặt anh tái dại trắng bệch vì mất nhiều máu, viên đạn địch đã găm trúng bộ hạ, xung quanh bẹn anh máu đã khô. Nhưng không hiểu sao cả hai hòn cà vẫn nguyên vẹn bám trên những sợi dây chằng mỏng manh dính máu, tôi và Giao đành gọi y tá Đồng tới giúp.
Địch đã rút gần hết vào cánh rừng phía trước, thỉnh thoảng vẫn có vài tốp nhỏ lẻ lặng lẽ vòng ra xa rồi chui vào mép rừng. Tôi và Giao trở ra kiểm tra khu vực xung quanh, bên bãi cỏ gianh gần đó xác một tên địch quần áo rằn ri thiếu mất một bên đùi, máu đã thâm đen chỗ đùi bị cụt, chiếc đùi văng ra cách đó ba bốn mét bị cháy đen thui. Ngay cạch còn một xác địch chết nằm sấp trên vũng máu khô. Đây chính là kết quả trận đánh của tổ phục kích lúc rạng sáng, sau này anh em tổ phục kích kể lại: khi phát hiện có tốp người lạ đi vào chốt, lính ta hỏi mật khẩu, chúng bỏ chạy và xạ thủ B40 cùng cả tổ đã kịp thời nổ súng. Tôi và Giao lật xác hai tên địch kiểm tra rồi kéo 2 khẩu AR15 và 2 chiếc ba lô của địch về chỗ tập trung thương binh liệt sỹ của ta. (Sau này trên thông báo: theo đài KT của ta, địch chạy qua đồi Năm Mỏn chết và mất tích 35 tên không kể số bị thương). Nếu như những trận đánh trước đó, cánh lính chúng tôi sẽ tranh nhau lục lọi tìm kiếm chiến lợi phẩm, nhưng giờ thì chẳng thiết thứ gì, anh em đồng đội người còn, người mất ngổn ngang những đau thương mất mát, thật sự c2 đã tổn thất nhiều quá.
Người cảnh giới, người chăm sóc thương binh. Quá chiều bộ phận tiếp viện của tiểu đoàn vẫn chưa đến hỗ trợ đưa liệt sỹ về tuyến sau, chúng tôi đành cử một tổ ở lại bảo vệ liệt sỹ một số dừu thương binh về nơi giấu quân…
Phía tây, nắng quái chiều đang hắt lên một thứ ánh sáng vàng kè, những đụn mây có hình thù kỳ quái biến đổi liên tục. Xa xa hướng Phu Keng mấy chiếc trực thăng như những con chuồn chuồn sắt đen xì chao đảo vội vã, giấp gáp sen lẫn tiếng nổ đì đùng to nhỏ vọng lại…Tôi khoác 2 khẩu AR 15, Giao cũng mang thêm 2 AK cùng anh em thẫn thờ, lầm lũi lần dừu thương binh về nơi dấu quân của đại đội, cơ thể rã rời mệt mỏi như có một khoảng trống sâu hun hút chẳng thể lấp đầy. Anh nuôi mang tới những phần cơm nắm, từ sáng và cả trưa nay bụng đã có tí gì đâu, nước cũng chưa kịp uống, môi khô rát, miệng đắng ngắt, mắt cay muốn khóc mà nước mắt lại chảy vào trong. Đau cái đau của những người lính sau trận chiến anh em, đồng đội ra đi nhiều quá (9 hy sinh, 13 người bị thương phải về tuyến sau điều trị và rồi cũng có người lại ra đi tiếp vì vết thương quá nặng)… Chính trị viên Thân động viên: “Các đ/c phải cố ăn đi mà lấy sức để còn tiếp tục làm nhiệm vụ và làm thay cho anh em đã mất chứ!”. Chẳng thể nuốt nổi, nhấp ngụm nước cháy cơm, mấy đứa chúng tôi rời căn hầm dã chiến đi xuống bờ sông Nậm Ngừm cách đó hơn chục mét tắm rửa.
Cứ để nguyên quần áo, tôi từ từ nhúng người xuống dòng Nậm Ngừm, một vệt màu đỏ nâu loang trên mặt nước trôi xuôi theo dòng sông. Máu của đại đội trưởng thấm vào cả hai lần áo, chiếc áo lót cộc tay màu trắng tôi mang từ miền Bắc vào chiến trường đã thẫm máu, không thể nào gặt được tôi đã thả trôi theo dòng nước. Máu của anh Đại, máu của bao đồng đội Quân tình nguyện đã hòa vào sông suối của người Lào như thế !
Tiếc thương bao đồng đội đã không còn, các anh đã ngã xuống cho Đồi Năm Mỏm trụ vững. Trận chiến như một đòn đánh bồi, đánh chặn đại quân địch để phối hợp với các đơn vị bạn toàn tuyến chặn đầu khóa đuôi tiến tới tiêu diệt và làm tan dã cả hai trung đoàn thiện chiến GM21 và GM26 lính Mẹo của tướng phỉ Vàng Pao. Chiến dịch phòng ngự mùa mưa năm ấy cả mặt trận đã giành toàn thắng. Cán bộ chiến sỹ c2, d8 cũng đã hoàn thành suất xắc nhiệm vụ và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công Hạng Hai.
Chiến tranh đã lùi xa ngót nửa thế kỷ kể từ sau trận đánh đó. Hình ảnh đại đội trưởng Đại, các đồng đội c2 của tôi, gốc cây thông già ở sườn mỏm Hai và vệt máu loang trên dòng Nậm Ngừm chiều đó còn nguyên trong tâm trí tôi. Cứ mỗi mùa gió về, chúng tôi những người may mắn còn lại sau chiến tranh lòng không nguôi khắc khoaỉ gọi tên các anh – Đồng đội ơi !?
Cựu chiến binh Quân tình nguyện Trung đoàn 866 Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân họp mặt thường niên kỷ niệm ngày truyền thống và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm ơ rừng Lào trong Kháng chiến chống Mỹ (Cựu chiến binh Quân tình nguyện E866 Hà Nội họp mặt tháng 10/2018)
Để giành lấy độc tự do, để hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả “Giúp bạn là tự giúp mình” hàng vạn người con của đất Việt đã ngã xuống qua các cuộc chiến, một số vẫn còn nằm rải rác đâu đó trên những cánh rừng, đỉnh núi, bờ sông, khe suối khắp đất nước Triệu Voi. Hơn một vạn LS hy sinh tại mặt trận Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng đã được đưa về đất mẹ Việt Nam, quá nửa tên tuổi các anh vẫn mờ mịt. Mộ đấy, hài cốt các anh đấy! Mà tiếc thương trên những tấm bia chỉ một dòng vô cảm: “Liệt sỹ chưa biết tên”. Những ngày cuối tháng 12/2015 một đồng đội của c2 đã có tin “tìm thấy tên anh” theo công nghệ ADN, anh là Phan Văn Quang, quê Bảo Thắng Lào Cai, anh là tiểu đội trưởng thuộc b5, c2, d8, e866 quân Tình nguyện Việt Nam, là một trong hơn 30 tay súng đã dũng cảm, ngoan cường đọ súng với 2 GM địch có số quân đông gấp cả trăm lần và đã anh dũng hy sinh cùng 8 cán bộ chiến sỹ trong trận chiến bi tráng ngày 01/09/1972 trên đồi Năm Mỏm.
Từ trong sâu thẳm, tôi hằng cầu mong một ngày không xa, anh Nguyễn Cao Đại, anh Tiệm, anh Cận, anh Trung, anh Bình, anh Ngọ, anh Luyến, anh Ơn của c2 và hàng ngàn LS của chúng ta sẽ sớm được trở về quê hương với đầy đủ tên tuổi mà cha mẹ đã đặt cho!
Hà Nội, đêm cuối năm Ất Mùi tôi viết lại câu chuyện này thay những nén nhang thắp cho các liệt sỹ. Vào thời khắc đặc biệt này, không ai không nghĩ và tưởng nhớ đến người thân của mình đã về cõi vĩnh hằng, những người lính qua cuộc chiến còn nghĩ về đồng đội của mình – về các liệt sỹ như những người ruột thịt. Mong sao hương khói bay tới tận trời xanh, tàn nhang thấm sâu vào lòng đất để đến được với các liệt sỹ. Chốn trần gian, mọi người vẫn gọi tên các anh, NHỮNG CON NGƯỜI BẤT TỬ!
Hà Nội, ngày 06-02-2016 (28/tháng Chạp, Ất Mùi)
TRẦN PHONG, NGUYỄN XUÂN GIAO c2, d8, e866 MT3