Sống tại thủ đô Viêng Chăn, thu nhập cần đạt ít nhất 1.85 triệu Kíp, tương đương 220 USD mới có thể duy trì cuộc sống là kết luận của cuộc khảo sát được thực hiện bởi Bộ Công thương.
Theo bản tóm tắt bản nghiên cứu chính sách của Viện nghiên cứu Kinh tế Công thương, Bộ Công thương cho biết, bình quân mức thu nhập cấp thấp thấp tại thủ đô Viêng Chăn là 1.85 triệu Kíp, trong đó bao gồm tiền chi cho việc ăn uống là 900 nghìn Kíp, tương đương 105 USD, 300 nghìn Kíp cho chi phí nhà ở, tương đương 35 USD và 150 nghìn Kíp cho phí xăng dầu, tương đương hơn 18 USD. Số liệu cho thấy mức sống ở Viêng Chăn gấp 1.42 lần so với mức sống bình quân ở Hà Nội, địa phương được cho là có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất Việt Nam. Đây là kết quả khảo sát từ 60 đối tượng bao gồm công nhân viên chức nhà nước, học sinh sinh viên và người lao động vào tháng 2 vừa qua.
Lý giải nguyên nhân chi phí sinh hoạt ở Viêng Chăn ở mức cao, báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế Công thương cho biết, bắt nguồn từ việc thị trường tiêu dùng tại thủ đô của Lào lệ thuộc vào hàng nhập khẩu, khả năng sản xuất trong nước yếu, sản phẩm thuần Lào có giá cả đắt đỏ hơn so với cùng mặt hàng nhập khẩu.
Hàng hóa tiêu dùng tại thị trường thủ đô Viêng Chăn chủ yếu được nhập từ nước ngoài ( Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam ). Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại dài hạn khiến lượng tiền trong nước bị chảy ra nước ngoài, trực tiếp gây áp lực lên tỷ giá quy đổi ngoại tệ, đồng thời khiến dự trữ ngoại tệ của Lào luôn trong trạng thái mong manh. Các đơn vị nhập khẩu thường có xu hướng đẩy giá hàng hóa lên cao do lo ngại ảnh hưởng rủi ro từ sự biến đổi tỷ giá của đồng Kíp so với ngoại tệ khác sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ngoài ra, báo cáo cũng đánh giá thấp sức sản xuất trong nước. Toàn thủ đô Viêng Chăn có tổng cộng 2.930 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trong đó nhóm DN vừa và nhỏ chiếm đến 95%. Với sức sản xuất yếu, hiệu quả thấp, lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khiến vốn đầu vào sản xuất tăng cao, dẫn đến việc giá cả hàng hóa phải tăng theo. Bên cạnh đó, nhà nước cũng không có các chế tài mạnh tay xử lý các trường hợp đầu cơ, tự ý tăng giá hàng hóa, đặc biệt là trong các lễ hội, sự kiện diễn ra quanh năm tại Lào.
Chính sách kêu gọi ” người Lào dùng tiền Kíp ” của Chính phủ khó đạt hiệu quả khi phần lớn các thành phần Kinh tế đều sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch chính, đặc biệt là USD và Bath Thái. Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ thay đồng Kíp. Trong lĩnh vực bán lẻ, tiền Kíp mệnh giá thấp cũng ít được sử dụng cũng là nguyên nhân đẩy giá các mặt hàng tiêu dùng lên cao do chênh lệch giá quy đổi.
Báo cáo cũng đề xuất một số biện pháp cải thiện tình hình bao gồm việc Chính phủ cần nâng cao khả năng kiểm soát giá cả hàng tiêu dùng, đảm bảo mức chênh lệch của hàng hóa phân phối ngoài thị trường so với chi phí nhập khẩu; khuyến khích sản xuất trong nước, quy định khung giá chuẩn hàng hóa và dịch vụ; khuyến khích người dân sử dụng tiền Kíp trong các giao dịch; khuyến khích tăng cường năng suất lao động, một mặt thúc đẩy hiệu quả sản xuất, mặt khác tăng thêm thu nhập cho người dân…
Theo KTTM