Truyền thông Thái Lan gần đây đưa ra dự báo, những năm tới bất chấp việc nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang thị trường này sẽ chứng kiến đà giảm dần, lý do là vì sầu riêng từ những nước Đông Nam Á khác, nổi bật là Việt Nam, Lào đang vươn lên mạnh mẽ để cạnh tranh trực tiếp, thách thức địa vị nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới của Thái Lan.
Sầu riêng trồng tại cao nguyên ở Paksong (Champasak), Nam Lào được đánh giá cao về chất lượng
Truyền thông Thái Lan dẫn chứng việc những năm qua Thái Lan xuất khẩu hàng năm khoảng 20 triệu cây sầu riêng giống, thì có ¼ là xuất khẩu sang các nước láng giếng, trong đó nhiều nhất là sang Lào. Bên cạnh đó là việc Lào đang trở thành khu vực trồng sầu riêng được các nhà đầu tư Trung Quốc và Việt Nam đặc biệt quan tâm. Nếu các nước như Việt Nam, Lào và thậm chí là Myanmar thành công trong việc phát triển vùng trồng sầu riêng của mình chắc chắn sẽ ảnh hướng khiến kim ngạch và lợi nhuận xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan bị giảm mạnh.
So với Việt Nam, Lào thì Thái Lan gặp nhiều bất lợi trong vận tải sầu riêng tới Trung Quốc. Hiện xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan tới Trung Quốc có thể theo đường biển, đường bộ và hàng không, trong đó đường bộ bắt buộc phải thông qua nước thứ ba. Nếu như, sầu riêng Việt Nam có thể trực tiếp qua các cửa khẩu quốc tế trên bộ của mình để vào Quảng Tây, Trung Quốc, hoặc quá cảnh Lào để tới Vân Nam, Trung Quốc. Thì Thái Lan chỉ có thể dồn hết hy vọng của mình vào tuyến đường sắt Lào – Trung mới được đưa vào vận hành từ cuối năm 2021, tuy nhiên do việc kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt tại cửa khẩu Bò Tèn – Bò Hản giữa Lào – Trung Quốc khiến việc vận tải gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chủ động tiến hành đa dạng hóa nguồn cung sầu riêng để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước ngày càng lớn, trong đó Việt Nam, Lào là những nước được ưu tiên quan tâm. Trung Quốc và Việt Nam mới đạt được thỏa thuận, theo đó sẽ nghiên cứu để sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào Trung Quốc, hiện các cơ quan kiểm dịch hải quan đang khảo sát các khu vực trồng sầu riêng của Việt Nam, việc Việt Nam xuất khẩu sầu riêng trực tiếp vào Trung Quốc chỉ còn là vấn đề sớm muộn. Gần đây, trong bối cảnh vườn trồng sầu riêng tại khu vực phía đông và nam Thái Lan bị sụt giảm năng suất, sầu riêng Việt Nam đã tranh thủ khoảng trống này để nhảy vào thị trường Trung Quốc. Đáng chú ý, sầu riêng Việt Nam rẻ hơn Thái Lan 3- 4 lần, nếu sầu riêng Thái Lan có giá khoảng 190.000 VNĐ/kg, thì sầu riêng Việt Nam chỉ khoảng 90.000 VNĐ/kg. Theo số liệu của Việt Nam, sản lượng sầu riêng hàng năm đạt khoảng 600.000 tấn, riêng năm 2021 đạt 642.600 tấn, tăng 15%. Trong đó, diện tích sầu riêng chuyên để xuất khẩu từ 50.000 – 60.000 ha, tập trung ở vùng Nam Bộ.
Việc những nhà đầu tư Trung Quốc, Việt Nam bắt đầu quan tâm đầu tư trồng sầu riêng tại Lào cũng được Thái Lan hết sức chú ý. Dẫn thứng như việc cơ quan nông nghiệp Lào cho biết một doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư trồng 3.200 -4.800 ha sầu riêng tại Viêng Chăn hồi tháng 3/2021, hay việc đầu năm nay công ty Jiarun của Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Lào về việc đầu tư vùng trồng sầu riêng quy mô 5.000 ha tại tỉnh Attapư.
Mặc dù xuất khẩu sầu riêng Thái Lan với Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng, năm 2021, Thái Lan đã xuất khẩu tổng cộng 807.277 tấn sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, con số này của nửa đầu năm 2022 là 500.546 tấn, tăng 5,20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hiện người trồng sầu riêng Thái Lan đang khá lo lắng, lấy xuất khẩu gạo làm bài học, từ việc đứng thứ nhất thế giới, Thái Lan nhưng năm qua đã bị Việt Nam qua mặt, phải đứng ở vị trí thứ 3 thế giới. Thái Lan không muốn sẽ phải đi lại con đường này một lần nữa.
Tổng hợp