Ngày 22/8/2022, Vientiane Times đưa tin, Bộ Giao thông Thái Lan đang làm việc với cơ quan đồng cấp Malaysia để phát triển một mạng lưới đường sắt tốc độ cao kết nối 4 nước ASEAN với Trung Quốc.
Tổng thư ký Bộ Giao thông Thái Lan Chayatan Phromsorn đã gặp người đồng cấp Malaysia Isham Ishak và các doanh nghiệp nước này để thảo luận về cách thức hợp tác trong việc xây dựng tuyến đường sắt nối hai nước. Malaysia trước đó đã yêu cầu kết nối đường sắt cao tốc với Thái Lan như một điểm trung chuyển để kết nối với Lào và Trung Quốc.
Hai Bộ đã thảo luận về dự án và Malaysia đã đồng ý với ý tưởng của Thái Lan về việc thành lập một nhóm làm việc chung để tiếp tục thảo luận về mạng lưới đường sắt nối Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia và Singapore và sẽ lên kế hoạch để thảo luận về các vấn đề vận tải tại cuộc họp tiếp theo của các nước ASEAN.
Tiếp theo sau cuộc hội đàm ngày 25/2/2022 giữa Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Thủ tướng Malaysia Ismail, các lãnh đạo Bộ Giao thông Malaysia đã đến Thái Lan theo lời mời của Bộ trưởng Giao thông Saksayam Chidchob. Theo lịch trình, các nhà chức trách Thái Lan sẽ thăm thủ đô Vientiane, Lào vào cuối tháng 8/2022 để thảo luận về việc mở rộng tuyến Đường sắt Lào-Trung đến Thái Lan. Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc kết nối tuyến đường sắt từ Vientiane đến tỉnh Nong Khai của Thái Lan.
Phần kết nối của đường sắt Lào-Trung khổ tiêu chuẩn và đường sắt Lào-Thái Lan khổ 1m đã được hoàn thành tại Cảng cạn Thanaleng, gần cầu Hữu nghị Lào – Thái số 1 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa giữa các nước.
SCG Logistics Management, nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp trong nước và quốc tế hàng đầu của Thái Lan, gần đây đã công bố tuyến đường logistics mới sử dụng Đường sắt Lào-Trung, dự kiến sẽ tạo ra doanh thu 650 triệu Baht vào năm 2022. Nhờ việc vận hành các tuyến đường sắt, thời gian vận tải hàng hóa giữa Chiang Rai (Thái Lan) và Côn Minh (Trung Quốc) có thể rút ngắn từ hai ngày xuống còn khoảng 10 đến 15 giờ so với vận chuyển bằng đường bộ. So với vận chuyển đường biển, chi phí hậu cần có thể được cắt giảm tới 20% khi vận chuyển đến các điểm đến như Côn Minh, Thành Đô và Trùng Khánh ở Trung Quốc. Tuyến đường sắt Thái Lan-Lào-Trung Quốc cho phép vận chuyển tất cả các loại sản phẩm, bao gồm thực phẩm, trái cây và rau quả, hàng tiêu dùng, thiết bị xây dựng và nhiều mặt hàng khác.
Theo ĐSQVN tại Lào