Vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần phải khắc phục như chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả.
Thời gian qua, việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại song phương và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào đã góp phần thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ, cũng như phát triển kết nối kinh tế giữa hai nước Việt Nam và Lào ngày càng bền vững, lâu dài và đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Từ hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Lào lần thứ XI năm 2018 tổ chức tại tỉnh Quảng Bình, Việt Nam đến nay, quan hệ hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam ngày càng được củng cố, mở rộng, đi vào thực chất và tiếp tục thu được nhiều kết quả thiết thực trong các lĩnh vực.
Kết quả tích cực
Giai đoạn năm 2018 – 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa song phương Việt Nam – Lào đạt 4,5 tỷ USD, trung bình đạt hơn 1 tỷ USD/năm, tăng trưởng hơn 10%/năm. Đến năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,32% so với năm 2020, vượt chỉ tiêu hai nước đề ra và trở thành giá trị kim ngạch thương mại song phương lớn nhất trong giai đoạn 10 năm qua.
Hiện Việt Nam có 214 dự án đầu tư vào Lào với tổng vốn đăng ký khoảng 5,33 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc, Thái Lan). Hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào đã có mặt ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng như nông nghiệp, năng lượng, sản xuất, phân phối hàng hóa thiết yếu như điện, xăng,…tại các tỉnh có nhiều tiềm năng trong hợp tác đầu tư, đặc biệt là các tỉnh phía Nam của Lào.
Đánh giá về kết quả hợp tác thương mại biên giới Việt Nam – Lào trong giai đoan vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Lào Khampheng Saysompheng cho biết: “Mặc dù cả hai nước đều gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiên tai gây ra. Tuy nhiên, Chính phủ hai nước đã có chính sách kịp thời để giải quyết khó khăn; áp dụng hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Do đó kim ngạch thương mai song phương lớn đã đạt cao nhất trong vòng 10 năm qua”.
Đến nay, toàn tuyến biên giới Việt Nam – Lào có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và thành lập 9 Khu kinh tế cửa khẩu, nhằm tạo thuận lợi hóa cho phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ của các tỉnh biên giới giữa hai nước Việt Nam – Lào.
Còn khó khăn, vướng mắc
Mặc dù Chính phủ hai nước, hai Bộ Công Thương và các tỉnh giáp biên có nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của hai nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần phải khắc phục như chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm và chưa tương xứng với nhau. Hàng hóa sản xuất có quy mô nhỏ, phần lớn là nguyên liệu chưa qua chế biến, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, chưa xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ. Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc triển khai các chương trình và thỏa thuận giữa hai bên còn nhiều hạn chế.
Tỉnh Houaphan nằm ở Bắc Lào là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Sơn La. Do đó, việc trao đổi hàng hóa qua biên giới của các địa phương lẫn nhau là rất lớn. Ông Phosy Bounkham, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Houaphan đã nêu ra một số vấn đề bất cập cần phải khắc phục trong thời gian tới.
“Thứ nhất là xuất khẩu các mặt hàng nông sản qua các cặp cửa khẩu phụ gặp nhiều khó khăn, khiến hàng hóa không thể thông quan. Thứ hai là thiếu hành lang pháp lý, chính sách thuế, chính sách thương mại. Thứ ba là thiếu hụt nhân viên có chuyên môn về thương mại để hỗ trợ cũng như kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng hóa phát sinh tại cửa khẩu”, ông Phosy Bounkham đề cập.
Tại Hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Lào lần thứ XII diễn ra vào đầu tháng 4 vừa qua tại Thủ đô Vientiane, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Khampheng Saysompheng đã lắng nghe đại diện các địa phương, doanh nghiệp hai nước chỉ ra những điểm yếu, hạn chế khiến thương mại Lào – Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng. Đồng thời, cũng chỉ ra những nguyên nhân, “điểm nghẽn” cần tháo gỡ như về tiềm lực đầu tư, nguồn vốn ngân sách; huy động nguồn vốn và thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng biên giới.
Định hướng phát triển trong thời gian tới
Có thể thấy tiềm năng phát triển khu vực biên giới còn rất lớn, để hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Lào đạt mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương hai nước đã đưa ra định hướng hợp tác phát triển như tập trung vào các vấn đề rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá; nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các văn kiện đã ký kết; đề xuất phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào; tạo thuận lợi cho hàng hóa của mỗi nước lưu thông; phát triển nguồn nhân lực; phối hợp ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, thách thức đan xem lẫn nhau, chúng ta cần phải tập trung vào 3 nội dung chính.
“Cần thường xuyên quan tâm làm tốt việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển thương mại biên giới cho phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp tục triển khai phổ biến, hướng dẫn tổ chức thực hiện các văn kiện đã được ký kết. Tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp hiệu quả ở tất cả các ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực như hai bên đã thống nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.
Với những cơ chế thuận lợi, chính sách thông thoáng và ưu đãi từ Hiệp định Thương mại song phương và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào cùng sự quan tâm của lãnh đạo ngành công thương hai nước. Chắc chắn rằng, kim ngạch thương mại song phương trong năm nay và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục vượt chỉ tiêu mà hai nước đề ra, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam ngày càng bền vững.
Theo VOV