Trung Quốc dự đoán sẽ có hơn 1 triệu lượt hành khách đi tàu trên tuyến đường sắt cao tốc Trung-Lào trong dịp Tết nguyên đán dù có những biện pháp hạn chế nhằm phòng chống dịch Covid-19, theo Reuters ngày 16.12.
Một tàu lửa ở nhà ga ở thủ đô Vientiane, Lào, trong lễ khánh thành tuyến đường sắt Trung-Lào ngày 3.12 REUTERS |
Trong tuần này, Lào cho hay sẽ tái mở cửa cho du khách từ ngày 1.1.2022. Những người sống trong 5 tỉnh của Lào nằm dọc tuyến đường sắt cao tốc Trung-Lào sẽ được tiêm liều vắc xin Covid-19 tăng cường trước khi Lào tái mở cửa cho khách du lịch, theo Reuters.
Hiện không rõ tuyến đường sắt cao tốc Trung-Lào sẽ bận rộn như thế nào trong dịp Tết nguyên đán, bắt đầu từ ngày 1.2.2022. Những người đi lại vẫn có thể sẽ phải trải qua thời gian cách ly ở hai bên biên giới.
Với vận tốc tối đa 160 km/giờ, các tàu chạy trên tuyến đường sắt Trung-Lào có thể đưa du khách và doanh nhân từ Trung Quốc đến Lào trong vòng chưa đầy một ngày, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Kể từ khi tuyến đường sắt cao tốc Trung-Lào được đưa vào hoạt động vào ngày 3.12, đã có hơn 300.000 hành khách sử dụng tuyến đường này ở phía Trung Quốc, theo báo chí Trung Quốc. Các quy định hiện nay không cho phép các hành khách đi qua biên giới giữa Trung Quốc và Lào, theo tờ The Laotian Times.
Nhà ga ở thủ đô Vientiane trong lễ khánh thành đường sắt Trung-Lào ngày 3.12 REUTERS |
Tuy nhiên, dịch vụ chở hàng xuyên biên giới vẫn hoạt động. Tính đến ngày 15.12, lượng hàng hóa được vận chuyển trên tuyến đường sắt Trung-Lào có tổng giá trị hơn 100 triệu dân nhân dân tệ (15,7 triệu USD), theo Reuters dẫn lại thông tin từ báo chí Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi số chuyến tàu chở hàng trên tuyến này trong dịp Tết nguyên đán.
Dự án đường sắt Trung-Lào dài tổng cộng 1.000 km từ Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến thủ đô Vientiane, được xây dựng trong năm 5, sử dụng nhân lực và kỹ thuật Trung Quốc, với tổng vốn đầu tư 9 tỉ USD, theo SCMP. Trong đó có 414 km nằm ở phía Lào, với vốn đầu tư 6 tỉ USD. Theo thỏa thuận, công ty đường sắt liên doanh Trung Quốc – Lào được thành lập để xây dựng tuyến đường sắt trị giá 6 tỉ USD (139.433 tỉ đồng) với 74 đường hầm và 167 cây cầu.
Phía Trung Quốc đầu tư 70% vốn và Lào chịu trách nhiệm 30%, tức 1,8 tỉ USD. Chính phủ Lào còn phải cam kết sử dụng 40% trong phần vốn góp của mình (tương đương 720 triệu USD) để trang trải chi phí xây dựng giai đoạn đầu, bao gồm tiền đền bù giải phóng mặt bằng, theo The Laotian Times. Để có thể giải ngân ngay số tiền này, phía Lào chi ngân sách 250 triệu USD và vay 470 triệu USD còn lại từ Ngân hàng Eximbank Trung Quốc với lãi suất 2,3%/năm, thời hạn tối đa 35 năm (điều chỉnh lãi suất 5 năm/lần).
Theo Thanhnien