Trong thời đại toàn cầu hóa và thế giới đang có sự chuyển mình nhanh chóng và mạnh mẽ, đâu đó tại nhiều quốc gia vẫn còn những nhóm dân tộc thiểu số có cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên.
Dân tộc Tongleuang hay được gọi là Khonpa, tức “người rừng” chỉ được tìm thấy sống tại một nơi duy nhất là khu vực vườn quốc gia Nậm Pui, thuộc địa bàn huyện Phiang, tỉnh Xaynhabuly. Theo Muan.la, nhiều năm trước lượng thành viên của dân tộc này tương đối nhiều, tuy nhiên theo thời gian và chịu ảnh hưởng từ môi trường thiên nhiên và xã hội, cộng với việc ít sinh đẻ khiến số lượng người dân tộc Tongleuang đến chỉ còn lại 19, trong đó có 10 phụ nữ.
Khảo sát người dân địa phương, Muan cho biết, tộc ” người rừng” tại địa phương trước kia được chia làm hai nhóm dân tộc nhỏ hơn là KhonPaNhuan, chuyên sử dụng giáo tự vót nhọn làm vũ khí và tìm kiếm thức ăn và KhonPaLao với vũ khí chính là cung tên tẩm thuốc độc tự chế để săn bắn và tự bảo vệ mình khỏi thú dữ. Hai nhóm dân tộc này sống thành cụm dọc theo biên giới Lào, Thái Lan. Đến nay, tộc người PaNhuan đã di cư hẳn sang sống tại vùng rừng núi Thái Lan.
Nhóm dân tộc này sống trong rừng sâu và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên theo nhóm gia đình hoặc cụm gia đình nếu ở những nơi có nhiều thú dữ. Người KhonPa không xây dựng nhà cửa mà ngủ lại tác các bụi cây lớn hoặc tự lợp chỗ trú bằng lá chuối. Khi lá chuối khô vàng và nguồn thức ăn cạn kiệt, người KhonPa lại di dời đến nơi ở khác. Lá chuối vàng trong tiếng Lào là ” Tong Leuang “cũng chính là cái tên được đặt cho dân tộc này để chỉ đặc tính sinh sống của họ.
Với đặc tính du cư, không canh tác nông nghiệp, thức ăn chính của người Tongleuang là rau, củ, quả hái lượm cùng với thú rừng săn bắn được, chủ yếu là ăn sống và thỉnh thoảng sử dụng lửa làm chín trực tiếp. Trước khi được tiếp cận với thế giới bên ngoài, khi người Tongleuang này được phát hiện đều không sử dụng quần áo, chỉ dùng vỏ cây che bộ phận nhạy cảm. Ngoài ra, để kêu gọi sự hỗ trợ của nhau, họ sử dụng cách thổi lá cây để báo hiệu.
Người Tongleuang được cho là ít thiện cảm với người ngoài nhưng có đời sống tinh thần khá phong phú với một nhạc cụ tương tự đàn hiện đại với dây làm từ mây. Người Tongleuang giỏi trong việc tìm mật ong rừng, đan mây, tìm lâm sản để đổi lấy dụng cụ lao động, thuốc lá hoặc quần áo với người bên ngoài.
Chính bởi cuộc sống du cư tạm bợ, lượng thành viên của tộc người này giảm mạnh theo thời gian do tỷ lệ sinh đẻ thấp, thường xuyên gặp tai nạn do thú rừng tấn công, bị sốt rét…
Theo Muan