Ngày 25/11 vừa qua tại thủ đô Viêng Chăn (Lào), Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, Bộ Ngoại giao Lào phối hợp với Ban Thư ký ASEAN đã tổ chức Diễn đàn Truyền thông ASEAN lần thứ 8 (AMF).
Tham dự diễn đàn lần này có ông Phosy Keomanivong, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào; bà Nicole Stechmann, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Lào, cùng đông đảo đại biểu và cơ quan truyền thông của các nước thành viên ASEAN.
Diễn đàn Truyền thông ASEAN lần thứ 8 mở ra cơ hội cho giới truyền thông các nước thành viên ASEAN trao đổi, chia sẽ về kinh nghiệm, quan điểm… với nhiều chủ đề, vấn đề quan trọng khác nhau gắn với việc thực hiện kế hoạch hội nhập, kết nối cũng như kết quả và kỳ vọng đối với các nhiệm vụ công tác của ASEAN trong tương lai. Sự kiện còn tạo ra một không gian trao đổi giúp tăng cường sự hiểu biết về các chương trình nghị sự của ASEAN. Diễn đàn còn góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác cũng như trao đổi thông tin, kiến thức, văn hóa với nhau giữa cơ quan báo chí của các nước thành viên ASEAN ngày càng phát triển hơn trong tương lai.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Phosy Keomanivong cho biết: AMF là diễn đàn thường niên, quy tụ các lãnh đạo cơ quan truyền thông trong toàn khu vực để cùng giao lưu với các nhà hoạch định chính sách, quan chức, học giả… đồng thời thể hiện được sự hợp tác trong việc cùng nhau thực hiện tầm nhìn hội nhập, kết nối trong ASEAN, bao gồm thực hiện Kế hoạch tổng thể về truyền thông ASEAN năm 2018 – 2025. Diễn đàn nhằm tạo điều kiện trong việc trao đổi giữa các nhà lãnh đạo truyền thông và các nhà hoạch định chính sách ASEAN, tạo ra một không gian nhằm chia sẻ những ý kiến, qua đó giúp tăng cường sự hiểu biết về những quan điểm của ASEAN về các vấn đề mới nổi. Ông cũng cho biết thêm, diễn đàn lần này được tổ chức trong bối cảnh Lào đang chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày thành lập nước CHDCND Lào (2/12).
Phát biểu trực tuyến tại sự kiện, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết: AMF năm nay được tổ chức dưới sự chủ trì của Lào, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đã tập trung vào chủ đề “Tăng cường kết nối và tự cường”, hai yếu tố quan trọng đối với sự tiến bộ và thịnh vượng của ASEAN trong bối cảnh chính trị thế giới và nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng hiện nay. Tăng cường kết nối trong khu vực và ngoài khu vực, có thể mở ra những cơ hội mới cho tăng trưởng, đổi mới và giao lưu văn hóa. Tự cường giúp ASEAN vượt qua những bất ổn và thách thức một cách hiệu quả và kịp thời hơn. Diễn đàn đóng vai trò là nền tảng có ý nghĩa để ASEAN tuyên truyền các mục tiêu, thành tựu và thách thức; đồng thời cũng để thúc đẩy các cuộc thảo luận về những vấn đề cấp bách trên toàn cầu và khu vực. Ngoài ra, ông cũng đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của truyền thông trong việc thúc đẩy sự hội nhập của Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Tổng hợp