Chỉ đứng thứ 2 sau Ấn Độ, tài sản 14.238 mẫu giống lúa đã đưa gạo Lào vươn tầm thế giới về sự đa dạng. Người trực tiếp mang lại thành quả đó là nữ tiến sĩ nông nghiệp có tình yêu mãnh liệt với hạt gạo Lào
Kinh tế đi lên từ nền nông nghiệp, cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á, Lào là nhà sản xuất gạo quan trọng trong khu vực. Gạo là sản phẩm nông nghiệp lớn nhất của Lào và hầu hết người nông dân vẫn sản xuất lúa nước tại nước này. Mùa vụ chiếm khoảng 75% diện tích đất trên cả nước và 90% được dùng để sản xuất gạo nếp.
Sản xuất gạo đáp ứng được 95% nhu cầu tiêu thụ nội địa, cùng với 70% nhu cầu calo và protein của các hộ gia đình tại Lào
Theo WB, những khó khăn hiện thời của ngành gạo Lào vẫn là chưa thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, lượng xuất khẩu gạo của Lào chỉ dao động khoảng 5-7%, thị trường nhập khẩu chủ yếu là Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh đó, với chi phí sản xuất chưa được tối ưu hóa, như hạn chế về cơ giới hóa khiến năng suất lao động thấp, tất cả chiếm đến 30% tổng giá trị sản xuất khiến thu nhập của nông dân Lào không cao. Đồng thời Lào thiếu những chuỗi liên kết khép kín tạo giá trị thúc đẩy ngành gạo phát triển như cơ sở chế biến, đóng gói, thương lái.
Vì vậy, điều cần thiết là động lực mở rộng phát triển sản xuất trên cơ sở Lào đang sở hữu sự đa dạng trong cây giống, khí hậu và diện tích đất canh tác màu mỡ.
Từ một quốc gia nghèo, bị xếp vào nhóm các nước chậm phát triển và còn hạn chế trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, một trong những người con ưu tú của đất nước Triệu Voi đã nỗ lực hết mình để tìm ra hướng đi tốt nhất cho ngành nông nghiệp nước nhà. Đó là Tiến sĩ Chai Bounphanuxay, phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông lâm Quốc gia Lào NAFRI.
Nữ Tiến sĩ 54 tuổi sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn bản Beungxay, Salavan, tỉnh Salavan. Được tiếp nhận cơ hội giáo dục đầy đủ, bà hoàn thành xuất sắc chương trình phổ thông tại Lào. Sau đó, được nhà nước cử đi du học chuyên ngành Di truyền học tại Liên bang Xô Viết. Năm 1988 bà tốt nghiệp và trở về Lào công tác tại Trung tâm nghiên cứu lúa gạo Naphok ( tiền thân của NAFRI). Từ một cán bộ trẻ năng động, bà sớm rèn luyện và trở thành nhà nghiên cứu nông nghiệp toàn diện. Năm 2007, bà tiếp tục hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Thái Lan.
Sau giai đoạn công tác, hoạt động nghiên cứu của Ts Chai đạt nhiều thành quả nổi bật, bà được giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lúa gạo Napok, hiện nay bà đang trên cương vị phó Giám đốc NAFRI.
Trở lại năm 1995, khi Trung tâm nghiên cứu gạo quốc tế IRRI hỗ trợ vốn cho dự án tổng hợp các giống lúa tại Lào. Ts Chai đã không ngại khó khăn địa lý, hành trình khắp các địa phương trên cả nước để thực hiện nhiệm vụ thu thập các giống lúa truyền thống. Với mong muốn mãnh liệt phát triển ngành nông nghiệp quê nhà, Ts Chai đã đóng góp 9 chương nghiên cứu trong cuốn “Lúa gạo Lào” ( Rice in Laos) xuất bản năm 2006.
Việc thu thập và phát triển thành công giống lúa Lào lên đến con số 14.238 mẫu là thành tựu nổi bật nhất trong suốt 30 trong nghề của Ts Chai. Đồng thời Lào cũng được biết đến là quốc gia có knhiều giống lúa thứ 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ. Ngoài ra, không có quốc gia nào có nhiều hơn Lào về số giống lúa nếp.
Bên cạnh đó, Ts Chai cùng với cộng sự tại Trung tâm nghiên cứu đã phát triển được 16 giống lúa mới, đưa vào gieo trồng như Thadokkham 1-13, Viengchan 450-1, Viengchan450-2, Thadokkham 1 chịu úng ngập. Giai đoạn 2012-2017, thế hệ lai F1 đạt năng suất 50-93 tấn , F2 đạt năng suất 500-554 và thế hệ F3 đạt năng suất 5000-9000 tấn, duy trì quỹ dự phòng giống lúa mỗi năm 400-500 tấn. Ngoài ra, Ts Chai cùng cộng sự cũng triển khai nghiên cứu phát triển hoa màu các loại như sắn, ngô, đậu…
Với thành tựu công tác nổi bật, Tiến sĩ Chai đã được cả Nhà nước và quốc tế ghi nhận. Năm 2014, bà nhận được danh hiệu nhà nghiên cứu xuất sắc từ Trung tâm nghiên cứu lúa gạo Quốc tế IRRI, đưa tên tuổi ngành gạo vươn tầm thế giới với đội ngũ chuyên gia trình độ cao, đặc biệt còn là phụ nữ. Đến năm 2017, bà lại vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng nhất từ Chủ tịch nước vì đóng góp to lớn vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước trong công tác chuyên môn giai đoạn 2011-2015.
Hiện nay, ngoài công tác chuyên môn, bà thường tham gia giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm và các khóa tập huấn với tư cách chuyên gia về lúa gạo cho đội ngũ cán bộ trẻ.
Tiến sĩ Chai Bounphanuxay là hình mẫu cho sự nỗ lực, tinh thần vượt khó, miệt mài học tập, nghiên cứu nâng tầm giá trị trí tuệ người phụ nữ Lào.