Cỏ lào còn có tên Bớp bớp, Yên bạch; tài liệu Trung Quốc gọi là Phi cơ thảo hay Hương trạch lan; tên khoa học là Chromolaena odorata (L.) King et Robinson (đồng danh: Eupatorium odoratum L.), thuộc họ Cúc – Asteraceae
Cây thảo mọc thành bụi, có thân cao đến 2m hay hơn. Cành nằm ngang, có lông mịn. Lá mọc đối, hình trái xoan nhọn, mép có răng, cuống dài 1-2cm, có 3 gân chính. Cụm hoa xếp thành ngù kép, mỗi cụm hoa có bao chung gồm nhiều lá bắc xếp 3-4 hàng. Hoa nhiều, mới nở có màu phớt xanh hay tím nhạt, sau chuyển màu trắng. Quả bế hình thoi, 5 cạnh, có lông. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân.
Phân tích thành phần hóa học cho thấy cỏ lào chứa 2,65% đạm; 0,5% phosphor và 2,48% kalium. Các bộ phận của cây đều chứa tinh dầu, alcaloid, tannin
Ngoài các tính năng sát trùng, cầm máu, kháng viêm. Cây cỏ Lào còn có khả năng tạo thành một loại thuốc bảo vệ thực vật tự nhiên, đẩy lùi côn trùng rất hữu hiệu, chúng ta có thể dễ dàng tự làm tại nhà.
Cỏ Lào có thể chống mối, chống các loại côn trùng, sâu ăn lá hiệu quả. Lấy thân và lá cây ngâm trong bể chứa nước, ao nước, tiểu cảnh sẽ làm nước trong và sạch hơn sau 2 đến 3 tuần.
Ngoài ra, cỏ Lào còn có khả năng dự báo thời tiết rất tốt, khi cây không ra hoa là dấu hiệu của thời tiết khô hạn kéo dài.
Cách chế tạo thuốc bảo vệ thực vật từ cây cỏ Lào rất đơn giản, mỗi 100 gr lá cỏ thái nhỏ đem ngâm vào 2 lít nước và vo kĩ, để khoảng 24h. Khi hỗn hợp ngâm đã ngấm đều, lấy khăn mỏng vắt lấy nước và phun trực tiếp lên cây trong 3 ngày, sau đó nghỉ 4 ngày rồi lại quay lại sử dụng 3 ngày cho đến khi hết hẳn sâu bọ ăn lá.