Ngày 3.6, tại TP.Huế, Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Bộ Công an Lào tổ chức hội nghị song phương sơ kết 6 tháng thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác phòng, chống ma túy. Vùng biên giới Việt Nam – Lào được xem là “điểm nóng” và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về tội phạm ma túy.
Sau 6 tháng thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào về hợp tác phòng, chống ma túy, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan phát hiện, đấu tranh thành công 112 vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ. Qua đó, bắt giữ 140 đối tượng, thu giữ 83,6 kg heroin, 109 kg ma túy tổng hợp; đồng thời, xác định có 26 tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào vào Việt Nam. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Việt Nam cũng phối hợp bắt giữ 16 đối tượng truy nã về ma túy của Việt Nam đang lẩn trốn tại Lào.
Hội nghị song phương giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào về hợp tác phòng, chống ma túy diễn ra ngày 3.6 tại TP Huế
Việt Nam và Lào là hai quốc gia láng giềng, nằm trên bán đảo Đông Dương, chịu tác động trực tiếp và mạnh mẽ từ tình hình tội phạm ma túy ở khu vực “Tam giác vàng”, một trong những trung tâm sản xuất ma túy lớn nhất thế giới. Đường biên giới chung giữa Việt Nam và Lào trải dài 2.300 km, đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam là Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum; tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới của Lào là Phongsaly, LuanPrabang, Houaphanh, Xiengkhuang, Bolykhamxay, Khammuan, Savannakhet, Salavane, Sekong và Attapeu.
Ma túy sử dụng chủ yếu tại Lào vẫn là ma túy tổng hợp gốc amphetamine (ATS), tiếp đó là heroin, thuốc phiện, cần sa; đồng thời đây cũng là điểm trung chuyển một lượng lớn tiền chất đến khu vực “Tam giác vàng” để sản xuất trái phép các chất ma túy. Tuyến biên giới Bắc Lào được xác định là tuyến trọng điểm về nguồn cung ma túy vào địa bàn Lào, tuyến phía Nam (tiếp giáp với Việt Nam và Campuchia) được coi như “cửa ra” của các loại ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào sang nước thứ ba.
Nhiều tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn được thiết lập có sự cấu kết của các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu người Lào, Trung Quốc với các đối tượng người Việt Nam) “cắt rừng” vận chuyển trái phép chất ma túy vào Việt Nam hoặc tiếp tục vận chuyển sang nước thứ ba tiêu thụ. Tội phạm ma túy trên tuyến này hoạt động hết sức manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí “nóng” tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt.
Đến nay công an các địa phương, đơn vị ở Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng 179 trụ sở làm việc của công an Lào ở vùng biên giới
Dự báo thời gian tới tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, do vậy Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương ngày càng nâng cao hiệu quả việc thực hiện triển khai thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác phòng, chống ma túy; coi đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, được thể chế hóa trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của hai Đảng, hai Nhà nước với quyết tâm chính trị cao nhất để ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy. Tăng cường phối hợp chuyên án điều tra chung về ma túy giữa hai nước, tập trung xác lập đấu tranh triệt phá các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia có liên quan đến hai nước.
Đến nay, các tổ công tác Công an các địa phương, đơn vị ở Việt Nam hỗ trợ Bộ Công an Lào xây dựng 179 trụ sở làm việc của Công an các bản giáp biên giới Việt Nam. Điều này không chỉ giải quyết hiệu quả việc cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ chiến sĩ Công an Lào; mà còn có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào; phát huy hiệu quả tích cực trong công tác phối hợp của Công an các tỉnh trong việc đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới nói chung, công tác phòng, chống tội phạm ma túy nói riêng trên tuyến biên giới của hai nước.
Theo CAND