Người nước ngoài sinh sống và làm việc lâu dài ở Lào có thể làm thủ tục xin cấp tư cách ngoại kiều để hưởng một số quyền lợi đặc thù nhằm tạo thuận lợi cho quá trình cư trú, làm ăn.
Người cư trú lâu dài tại Lào tức ngoại kiều – thường trú nhân chưa cắt quốc tịch (trường hợp người Việt Nam thường hay gọi là Việt kiều, tuy nhiên cách gọi này chưa thực sự đúng) là công dân nước ngoài, người gốc Lào hoặc người không có quốc tịch.
Ngoại kiều Lào được phép cư trú, sinh sống, làm việc, kinh doanh tại Lào không thời hạn, theo quy định tại Nghị định Chính phủ số 472/CP về việc cư trú lâu dài tại CHDCND Lào của người nước ngoài, người gốc Lào và người không có quốc tịch. Ngoài ra, ngoại kiều là điều kiện cần thiết để xin nhập quốc tịch Lào hoặc trở thành công dân danh dự của Lào.
Chế độ ngoại kiều tại Lào ngoài việc không được mua bán sở hữu đất đai nhưng được phép thuê bất động sản có thời hạn (không quá 50 năm), không được đảm trách công việc trong cơ quan nhà nước, không được tham gia ứng cử bầu cử ra thì cơ bản đều được hưởng các quyền bình đẳng với công dân Lào. Ngoại kiều Lào có thể sử dụng thẻ căn cước của mình để làm giấy phép đối với việc mở cửa hàng, lập công ty, hoạt động nhà máy sản xuất vv…từ đó đươc áp dụng các chính sách về thuế như đối với người dân bản địa.
Nghĩa vụ của ngoại kiều Lào bao gồm tôn trọng hiến pháp, luật pháp nhà nước; tuân thủ quy định lao động, đời sống xã hội sở tại; tôn trọng phong tục tập quán truyền thống và trật tự xã hội; thực hiện các nghĩa vụ thuế quan theo quy định; bảo vệ, giữ gìn, xây dựng và phát triển đất nước, quốc phòng an ninh Lào và tuân thủ các nghĩa vụ khác theo luật định.
Theo quy định, điều kiện xin làm ngoại kiều Lào đối với người nước ngoài, người không có quốc tịch gồm có:
1. Người nước ngoài, người không có quốc tịch sinh sống tại CHDCND Lào hợp pháp trong liên tục 10 năm trở lên;
2. Bố, mẹ hoặc con ngoại kiều Lào đã sinh sống tại Lào từ 10 năm trở lên;
3. Người nước ngoài và người không có quốc tịch kết hôn hợp pháp với công dân Lào và phải cư trú tại Lào liên tục 2 năm trở lên;
4. Nhà đầu tư nước ngoài có vốn đăng ký từ 500.000 USD trở lên và có hoạt động kinh doanh ổn định, liên tục từ 5 năm trở lên, đồng thời tuân thủ các nghĩa vụ thuế quan theo quy định của Nhà nước;
5. Người có trình độ chuyên môn, chuyên gia và CHDCND Lào cần;
6. Người được Chính phủ Lào cấp đặc quyền;
7. Người có cống hiến đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng CHDCND Lào, có Giấy chứng nhận cống hiến, thành tựu về các hoạt động nói trên từ cơ quan chức năng liên quan.
Thủ tục làm chế độ ngoại kiều (Việt kiều Lào), theo quy định hiện hành phải làm hồ sơ gửi đến Cục ngoại kiều Bộ An ninh Lào, hồ sơ gồm có:
Người bảo lãnh là người Lào
Người nước ngoài xin làm thủ tục ngoại kiều Lào, bắt buộc phải có người bảo lãnh là người Lào tức là người có quốc tịch Lào.
- Người bão lãnh là người Lào bắt buộc phải có đầy đủ các hồ sơ
- Đơn bảo lãnh thân quyến tới cư trú lâu dài tại Lào: 3 bộ.
- Ảnh chụp giấy xác nhận chỗ ở : 3 bộ.
- Giấy chứng nhận bảo lãnh của bản: 3 bộ.
- Bản sao Chứng minh thư: 3 bộ.
- Bản sao sổ hộ khẩu: 3 bộ.
- Chứng nhận tài sản cá nhân (được chính quyền bản xác nhận): 3 bộ.
- Lý lịch cá nhân (được chính quyền bản xác nhận): 3 bộ.
- Ảnh thẻ 3×4: 6 tấm.
Hồ sơ đối với người xin làm Ngoại Kiều
- Người xin làm ngoài kiều trình đơn xin cơ trú lâu dài tại Lào lên sứ quán Lào tại Việt Nam, sau khi được sự phê duyệt của Sứ quán Lào, cơ quan này sẽ cấp cho các hồ sơ xác nhận liên quan: 3 bộ
- Lý lịch cá nhân: 3 bộ.
- Bản sao Chứng minh thư: 2 bộ.
- Bản sao hộ chiếu: 2 bộ.
- Xác nhận không có tiền án, tiền sự (Lý lịch tư pháp): 2 bộ.
- Giấy khám sức khỏe: 2 bộ.
- Giấy khai sinh: 2 bộ.
- Ảnh 3×4: 6 tấm.
- Giấy cam đoan: 1 bản.
- Giấy cho phép cư trú ở nước ngoài của cơ quan hữu quan Việt Nam: 1 bản.
Thủ tục thẩm định phê duyệt làm ngoại kiều
- Người bảo lãnh đem toàn bộ hồ sơ cần thiết của người làm ngoại kiều nộp lên chính quyền bản xin xác nhận.
- Người bảo lãnh đem toàn bộ hồ sơ cần thiết của người làm ngoại kiều đã qua xác nhận của chính quyền bản nộp Công an thành phố Vientiane hoặc Công an các tỉnh địa phương để xin xác nhận.
- Người bảo lãnh đem toàn bộ hồ sơ cần thiết của người làm ngoại kiều đã qua xác nhận của Sở Công an nộp lên Cục quản lý người nước ngoài thuộc Bộ Công an và Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao xin phê duyệt.
- Người làm ngoại kiều nộp toàn bộ hồ sơ cần thiết lên Đại sứ quán Lào tại Việt Nam xin phê duyệt.
- Sau khi Đại sứ quán Lào tại Việt Nam đã đồng ý sẽ cấp giấy các giấy xác nhận cần thiết, đồng thời sẽ tập hợp toàn bộ hồ sơ mà người làm ngoại kiều cung cấp để chuyển tới Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Lào.
- Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Lào sẽ xem xét hồ sơ của người bảo lãnh và người làm ngoại kiều, sau khi đã cho ý kiến phúc đáp sẽ chuyển hồ sơ sang Cục quản lý người nước ngoài thuộc Bộ Công an.
- Cục Ngoại kiều Bộ An ninh sẽ xem xét đưa ra phê duyệt cuối cùng đối với đề nghị làm ngoại kiều.
- Khi được phê duyệt, cơ quan lãnh sự Lào sẽ căn cứ hồ sơ để cấp thị thực (visa) ngoại kiều để tiến hành thủ tục tiếp theo là xin cấp thẻ căn cước ngoại kiều và sổ hộ khẩu ngoại kiều.
Theo quy định, thời gian xem xét hồ sơ đối với người nước ngoài và người không có quốc tịch không phải người gốc Lào như sau:
- Chính quyền bản: không quá 5 ngày làm việc;
- Công an huyện: không quá 15 ngày làm việc;
- Công an tỉnh/thành phố: không quá 20 ngày làm việc;
- Chính quyền tỉnh, thành phố: không quá 30 ngày làm việc;
- Đại sứ quán hoăc Tổng lãnh sự quán: không quá 45 ngày làm việc;
- Bộ Ngoại giao: không quá 30 ngày làm việc;
- Bộ Công an: không quá 15 ngày làm việc.
Cơ quan quản lý
Bộ Công an là cơ quan quản lý người nước ngoài, người gốc Lào và người không có quốc tịch được cấp phép cư trú lâu dài tại CHDCND Lào thông qua việc cấp sổ Hộ khẩu ngoại kiều, Thẻ căn cước ngoại kiều và giao chính quyền địa phương quản lý trực tiếp.