Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhờ các gói kích thích lớn và nhu cầu bị dồn nén do đại dịch COVID-19 sẽ mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu ở Châu Á, trong đó lớn nhất là Việt Nam. Thêm vào đó, trên đà phát triển như một trung tâm sản xuất toàn cầu mới nổi, Việt Nam có thể chiếm khoảng 4% tổng xuất khẩu điện tử toàn cầu vào năm 2025.
Công nhân tại một nhà máy ở tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: AFP
Xuất khẩu 4% hàng điện tử thế giới năm 2025
Theo báo cáo của Oxford Economics, Việt Nam có thể chiếm khoảng 4% tổng xuất khẩu điện tử toàn cầu vào năm 2025 trong bối cảnh đất nước tiếp tục đà phát triển như một trung tâm sản xuất toàn cầu mới nổi. Báo cáo của Oxford Economics do Trưởng nhóm Kinh tế Châu Á của Oxford Economics, công bố vào ngày 13.4.
Theo báo cáo, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế tăng trưởng trên toàn cầu trong năm 2020, với sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng GDP 2,9% bất chấp đại dịch COVID-19.
Nhà kinh tế Sian Fenner lưu ý, Việt Nam tiếp tục củng cố thị phần hàng xuất khẩu trên thị trường thế giới lên 1,6% trong năm ngoái. Trước đó, năm 2019, đóng góp của Việt Nam cho thị trường thế giới là 1,4% và năm 2010 chỉ là 0,5%.
Kết quả tăng trưởng này là nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng đáng kể, giúp nâng cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Một số yếu tố góp phần dẫn tới thành tích xuất khẩu gần đây của Việt Nam bao gồm ngăn chặn thành công đại dịch COVID-19 giúp hoạt động sản xuất trở lại bình thường nhanh hơn hầu hết các nước khác trong khu vực.
“Những luồng “gió xuôi” này có thể giảm bớt dần trong năm nay do việc nới lỏng các biện pháp hạn chế sẽ cho phép sản xuất ở các nước khác cũng trở lại bình thường. Chúng tôi cũng cho rằng, nhu cầu về máy tính và đồ nội thất của năm ngoái khó có thể lặp lại” – bà nói.
Dù vậy, chuyên gia của Oxford Economics tin rằng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục vượt trội so với các quốc gia khác trong khu vực trong năm nay và các năm tiếp theo. Chuyên gia chỉ ra, lĩnh vực sản xuất xuất khẩu của Việt Nam có thể được thúc đẩy nhờ sự phục hồi của thương mại thế giới trong năm nay.
Ngoài ra, Oxford Economics dự kiến lĩnh vực điện tử sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm nay, tăng từ mức 2,8% trong năm 2019, nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị viễn thông liên quan đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng 5G.
“Chúng tôi tin Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu điện tử toàn cầu khi sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã tăng đáng kể trong 5 năm qua sau khi nguồn vốn FDI tăng mạnh” – bà nói.
Mặc dù FDI của Việt Nam giảm 25% trong năm xảy ra đại dịch COVID-19, nhưng chiếm 1%, tương đương 16,1 tỉ USD, con số đáng chú ý trong dòng vốn FDI toàn cầu, nhiều hơn cả Malaysia và Thái Lan cộng lại.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc gia tăng kể từ năm 2018 và việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lớn đối với hàng hóa Trung Quốc cũng làm tăng thêm sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến cho FDI, với sự gia tăng đáng kể dòng vốn từ Trung Quốc và sự gia tăng mạnh mẽ của người tiêu dùng Mỹ – bà Fenner cho biết.
“Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn với dòng vốn FDI toàn cầu trong trung hạn, nhờ động lực lao động hấp dẫn, vị trí gần Trung Quốc và các chính sách thương mại và FDI thuận lợi” – bà nói. Chuyên gia này cho biết thêm, tỉ trọng xuất khẩu điện tử toàn cầu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên, chiếm khoảng 4% xuất khẩu điện tử toàn cầu vào năm 2025.
Theo bà Fenner, thị phần của Việt Nam có thể cao hơn nữa, nhưng có thể bị hạn chế bởi tình trạng tắc nghẽn nguồn cung xung quanh các cảng trọng điểm phục vụ các cụm công nghiệp. “Các dự án để giảm bớt vấn đề này sẽ cần đến các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng ngay cả khi nguồn vốn được đảm bảo, những nâng cấp cơ sở hạ tầng này sẽ mất thời gian” – bà lưu ý.
Việt Nam hưởng lợi nhất ở Châu Á khi kinh tế Mỹ bùng nổ
Theo Bloomberg Economics, nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh mẽ nhờ vào gói kích thích lớn và nhu cầu bị dồn nén sẽ mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu ở Châu Á, trong đó Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn nhất.
Nếu tốc độ tăng trưởng của Mỹ tăng lên 7,7% trong năm 2021 như dự báo của Bloomberg Economics, tăng từ mức 3,5% ghi nhận cuối năm ngoái, thì sự tăng trưởng của Việt Nam sẽ thêm 1%, nghiên cứu hôm 13.3 của nhà kinh tế trưởng Châu Á Chang Shu. Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, khoảng 0,6%.
“Mỹ tăng trưởng thêm là tin tốt cho các nhà xuất khẩu Châu Á” – chuyên gia Chang Shu viết. Bà lưu ý rằng, Mỹ mua trung bình hơn 10% các mặt hàng xuất khẩu của Châu Á. Ngoài tăng nhu cầu trực tiếp, “cũng có khả năng có những tác động lan tỏa gián tiếp đáng kể” với các công ty Châu Á liên quan tới mạng lưới các chuỗi cung ứng đến Mỹ.
Nghiên cứu của bà cho thấy, ngay cả việc tăng trưởng ở Mỹ ở mức khiêm tốn hơn cũng tạo ra cú hích cho tăng trưởng của các nền kinh tế Châu Á, dao động từ 0,14 đến 0,52%, trong đó tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến tăng khoảng 0,3%.
Yếu tố quan trọng quyết định mức độ hiệu ứng lan tỏa sẽ là cấu trúc chi tiêu của Mỹ. Theo chuyên gia này, nếu người Mỹ chi cho dịch vụ càng nhiều thì tác động lan tỏa tới các nhà xuất khẩu Châu Á sẽ càng thấp, mặt khác nếu Mỹ chi nhiều cho hàng hóa thì Châu Á sẽ được lợi lớn hơn.
Hoạt động tiêu dùng hàng hóa tại Mỹ đã tăng mạnh vào nửa sau năm 2020 nhưng chi tiêu cho dịch vụ lại giảm. Tuy nhiên, việc mở cửa nền kinh tế trở lại cho phép người dân đi lại nhiều hơn và do vậy đây có thể là yếu tố tác động tiềm tàng tới hiệu ứng lan tỏa dự kiến cho các nhà xuất khẩu Châu Á, theo Bloomberg Economics.
Theo Laodong