Chủ tịch nước cho rằng hai nước phải hợp tác để cùng nhau mạnh lên, giầu lên. Cụ thể, hai nước cần có tư duy hợp tác mới, các biện pháp mạnh, mang tính đột phá “đặc biệt” để giải phóng nguồn lực cho hợp tác kinh tế…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại Quốc hội Lào
Trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức nước CHDCND Lào, sáng 10/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại Quốc hội Lào, nơi đang diễn ra kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX.
Chủ tịch nước bày tỏ vinh dự đặc biệt khi là vị khách quốc tế đầu tiên được phát biểu trong Hội trường mới trang trọng này trước Quốc hội khoá IX nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đúng 10 năm sau bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội khoá XI nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VII của Lào. Đây chính là tình cảm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào dành cho những người đồng chí anh em, là một thể hiện sinh động của tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt có một không hai trên thế giới giữa hai dân tộc Việt-Lào.
Bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại những trang sử vẻ vang của quan hệ hai nước trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay. Chủ tịch nước nhấn mạnh hai thông điệp quan trọng là hai nước Việt – Lào cùng đoàn kết, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng có nhiều điểm tương đồng của hai vị lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, đồng thời nỗ lực giải phóng các nguồn lực cho hợp tác song phương, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới để tận dụng cơ hội và đáp ứng các yêu cầu của thời đại công nghiệp 4.0.
Chủ tịch nước cho biết, từ quan hệ đặc biệt xuất phát từ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trao đổi thân tình với Chủ tịch Kaysone Phomvihane. Và thực tế, mối quan hệ của hai nước còn “cao hơn” các hiệp định, hiệp ước ký kết, bởi đó là mối quan hệ đồng cảm, đồng chí vì vận mệnh chung. Người Việt Nam gọi nhân dân Lào là anh em một nhà, tình thân như ruột thịt.
“Trong trái tim của mỗi người Việt Nam và Lào hôm nay và mai sau luôn khắc sâu quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt-Lào là vô cùng cao đẹp, như Hoàng thân, Chủ tịch Souphanouvong đã nêu là “cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất”. Mối quan hệ thuỷ chung, trong sáng giữa hai Đảng, hai nước đã trở thành quan hệ mẫu mực, hiếm có trên thế giới, như Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã nhiều lần khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới cũng đã có những tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện đến như vậy”; Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ôn lại truyền thống lịch sử của hai nước, Chủ tịch nước cho biết, trong những năm 30 của thế kỷ trước, cách mạng hai nước đã cùng chung sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương – chính là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ngày nay. Hai nước đã cùng nhau trải qua muôn vàn gian nan đấu tranh thử thách.
“Tôi còn nhớ lời kể trực tiếp của cố Đại tướng Sisavath Keobounphanh, người đã từng tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương, là nhiều khi trên mặt trận đang gặp khó khăn, chỉ một cuộc điện thoại với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là đã có những lực lượng quân đội Việt Nam sang Lào kịp thời cùng hợp tác chiến đấu, giành thắng lợi. Có thể nói, máu đào của các chiến sĩ Việt, Lào đã thấm vào dãy Trường Sơn, hòa trong nước sông Mekong, nước mắt của những người mẹ Lào, Việt có con hy sinh đều chung vị mặn đắng của đau thương mất mát” – Chủ tịch nước nói.
Dẫu có nhiều gian khó, hy sinh, nhưng dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, Liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt-Lào đã anh dũng đưa sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc hai nước đi tới thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975. Nhớ lại, để chúng ta cùng tự hào và cùng lắng sâu tâm mình trước sự hy sinh của các thế hệ tiền bối anh hùng và đó là nền tảng, gốc rễ bền chắc để tiếp tục cùng nhau quyết tâm vun đắp, nâng tầm cao mối quan hệ thủy chung, trong sáng, đặc biệt Việt-Lào.
Trong thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc, dưới ánh sáng soi đường của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam, Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Kaysone Phomvihane ở Lào, hai Đảng, hai Nước tiếp tục kề vai, sát cánh hợp tác trong sáng, chí tình, chí nghĩa, luôn vì nhau, bên nhau, cùng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập, tiến lên Chủ nghĩa xã hội.
Phát huy truyền thống đó, Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy hai nước đã hợp tác toàn diện và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực thời gian qua. Nhiều công trình, dự án hợp tác thiết thực giữa hai nước về mạng viễn thông, giao thông, thủy điện, trồng cao su, cà phê, trường học, bệnh viện, các cụm bản nghèo đặc biệt khó khăn… đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trên nhiều vùng, tỉnh xa, khó khăn của Lào, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
“Kim chỉ nam” cho hợp tác hai nước
Nêu tình hình quốc tế và khu vực có nhiều cơ hội, nhưng nhiều thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 đang tàn phá nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hai nước cần thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa thời gian tới
Trước hết, tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng và những thành tựu hợp tác vừa qua, chúng ta hiểu rằng trụ cột quan hệ chính trị sẽ tiếp tục là định hướng tổng thể quan hệ đặc biệt Việt – Lào trong thời gian tới. Kế thừa truyền thống cách mạng vững chắc, quan hệ chính trị của hai nước được soi sáng bởi tư tưởng của hai vị lãnh tụ vĩ đại – Hồ Chí Minh và Kaysone Phomvihane, đó là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê nin vào thực tiễn mỗi nước, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với đất nước giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Ngày nay, tư tưởng của hai Lãnh tụ kính yêu cũng chính là “kim chỉ nam” để hai nước chúng ta luôn giữ vững và phát huy truyền thống quan hệ thủy chung, gắn bó có một không hai, không ngừng củng cố tin cậy chính trị – chiến lược, để “cùng nhau gánh vác sứ mệnh lịch sử bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng, phát triển đất nước tiến lên mục tiêu xã hội chủ nghĩa, giữ gìn quan hệ đặc biệt Lào – Việt đời đời bền vững”, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith đã phát biểu tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ở Hà Nội, ngày 29/6.
Chủ tịch nước cũng cho rằng, trong quan hệ chính trị, có vai trò đặc biệt quan trọng của hợp tác giữa Quốc hội hai nước. Sự ủng hộ của Quốc hội hai nước sẽ là điểm tựa pháp lý vững chắc cho sự hợp tác hiệu quả của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các địa phương, các tổ chức xã hội và phát huy sự nỗ lực, sáng tạo của doanh nghiệp, người dân hai nước. Cùng với đó là tiếp tục củng cố trụ cột hợp tác quốc phòng – an ninh và nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực…
Hai bên coi giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là lĩnh vực hợp tác chiến lược, mang tính “đột phá”, không chỉ phục vụ nhu cầu phát triển của mỗi nước mà còn góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó và đoàn kết giữa hai nước. Việt Nam sẵn sàng mở rộng hỗ trợ Lào đào tạo nguồn nhân lực cả dài hạn và ngắn hạn với cơ cấu ngành nghề và cấp bậc đa dạng; bên cạnh việc tăng số lượng và chế độ học bổng, trong thời gian tới hai bên cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng tuyển sinh, giảng dạy và học tập nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường Lào.
“Hợp tác để cùng nhau mạnh, giàu”
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu một vấn đề quan trọng mà Lãnh đạo hai nước và cá nhân Chủ tịch nước trăn trở, đó là phải nâng tầm trụ cột hợp tác kinh tế với những đột phá mới, để tương xứng với tầm cao của quan hệ hữu nghị đặc biệt hai nước.
“Không thể mãi nghèo, chúng ta phải hợp tác để cùng nhau mạnh lên, giầu lên. Từ kinh nghiệm, bài học trong 35 năm đổi mới và phát triển kinh tế của Việt Nam, chúng tôi thấy rằng hai nước cần có tư duy hợp tác mới, các biện pháp mạnh, mang tính đột phá “đặc biệt” để giải phóng nguồn lực cho hợp tác kinh tế, thúc đẩy thương mại, đầu tư, kinh doanh; quan tâm và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hợp tác” – Chủ tịch nước nói và cho biết Việt Nam mở cửa thị trường 100 triệu dân cho hàng hóa, nông sản của Lào. Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại đạt hơn 670 triệu USD, tăng 37%, trong đó Lào xuất trên 330 triệu USD, tăng gần 40%. Việt Nam đang mua điện của Lào với quy mô lớn, sẽ đạt đến 5.000 MW vào 2030…
“Việt Nam và Lào cùng chủ động hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển. Chúng ta cùng hợp tác trong ASEAN, Hiệp định RCEP; thêm vào đó, Việt Nam đang tham gia các Hiệp định thương mại tự do ưu đãi cao, quy mô lớn như CPTPP với Nhật, Canada, Australia… EVFTA với 27 nước EU phát triển. Khi chúng ta hợp tác, hàng hóa, dịch vụ của Lào và Việt Nam cùng có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn này, đa dạng hóa đối tác. Cùng nhau, chúng ta nhất định sẽ phát triển mạnh, đất nước độc lập, giàu mạnh, người dân no ấm, hạnh phúc”.
Chủ tịch nước đồng thời cho rằng, để mở rộng không gian phát triển vừa nêu, hai nước cần mở rộng kết nối về giao thông, năng lượng, viễn thông… với nhiều tuyến đường xuyên biên giới theo trục Đông – Tây, kể cả đường bộ, đường sắt, đường ống nhiên liệu… Hàng hóa của Lào có thể đi qua bất cứ cảng nào của Việt Nam. Khởi đầu hợp tác này là hình thành Cảng quốc tế Lào – Việt, do Lào nắm cổ phần đa số, tại miền Trung, Việt Nam. Từ nước không có biển, hợp tác với Việt Nam, Lào có thể thẳng tiến ra biển đi tới các thị trường khu vực, thế giới rộng lớn, Lào trở thành một trung tâm logistic khu vực. Chủ tịch nước cho rằng, phải chăng, đó là một tiền đề để Lào phát triển nhanh, bền vững, tự chủ.
Chủ tịch nước cũng mong muốn Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước cần thực hiện một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là cần tiếp tục truyền thông, giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện của hai nước cho các thệ hệ người dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ.
Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hai nước cùng uống chung dòng nước Mekong, cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, điều kiện tự nhiên từ muôn đời nay như đã gắn kết chặt chẽ hai đất nước, hai dân tộc. Dẫn lời lời thơ của Vilay Keomani trong bài thơ “Hai anh em sinh đôi”: “Anh ở bên kia, tôi bên này. Chung một dãy Trường Sơn hùng vĩ”, Chủ tịch nước cho rằng, đó là gắn kết tự nhiên mãi mãi, muôn đời, cùng chia sẻ, cùng tiến lên giàu mạnh.
Theo VOV