Sáng 15/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam rời Hà Nội lên đường thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đón Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane, tháng 12/2021.
Sáng 15/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam rời Hà Nội lên đường thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane.
Đây là là chuyến thăm chính thức nước CHDCN Lào trong Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào 2022, đánh giá kết quả hợp tác giữa hai Đảng, hai nước, nhất là giữa Quốc hội hai nước trong thời gian qua và trao đổi, thống nhất các phương hướng hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là các biện pháp triển khai thực hiện có hiệu quả các Thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam – Lào tiếp tục giữ được đà phát triển tích cực mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hai bên phối hợp tổ chức thành công Cuộc họp thường niên hai Bộ Chính trị, Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào và Lễ phát động “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam Lào 2022”; duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc của Lãnh đạo cấp cao và các cấp.
Kim ngạch thương mại hai chiều trong 2 tháng đầu năm đạt 243,2 triệu USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2021; đến nay đầu tư của Việt Nam sang Lào có 417 dự án với tổng vốn đăng ký 4,7 tỷ USD, trong đó hai tháng đầu năm 2022, có 1 dự án cấp mới và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký là 64,3 triệu USD.
Hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, giáo dục đào tạo, văn hóa, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương giáp biên giới hai nước tiếp tục được quan tâm thúc đẩy.
Quan hệ Quốc hội hai nước tiếp tục được thúc đẩy, triển khai đồng bộ, hiệu quả với hình thức linh hoạt cả trực tuyến và trực tiếp, đóng góp quan trọng vào tổng thể quan hệ giữa hai nước.
Hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao, trao đổi kinh nghiệm công tác, giao lưu cấp Ủy ban, giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước. Hai bên đã hình thành cơ chế hợp tác giữa Đại biểu Quốc hội trẻ, nữ Đại biểu Quốc hội hai nước; cơ chế hợp tác thường niên giữa các Ủy ban, hai Văn phòng Quốc hội/Ban thư ký của hai Quốc hội; cơ chế hợp tác ba bên Campuchia – Lào – Việt Nam giữa các Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Tài chính – Ngân sách về khu vực Tam giác phát triển ba nước.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội XIV, hai bên đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề trao đổi kinh nghiệm công tác lập pháp giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như: lấy phiếu tín nhiệm; công tác quản lý đất đai và chính sách tài khóa; kinh nghiệm trong việc gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế; chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm.
Hai bên còn trao đổi kinh nghiệm về công tác phối hợp xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân giữa các cơ quan Quốc hội với các Bộ, ngành liên quan; các khóa bồi dưỡng đại biểu, tập trung vào các chính sách pháp luật về hoạt động của Hội đồng nhân dân (giúp Lào xây dựng lại hệ thống Hội đồng nhân dân cấp tỉnh).
Quốc hội hai nước đã tiến hành giám sát chung rất hiệu quả chuyên đề “Tình hình thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước”. Đặc biệt hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai dự án xây Nhà Quốc hội mới của Lào, quà tặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào đã được khánh thành vào tháng 8/2021. Hai bên duy trì hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực, quốc tế như: AIPA, IPU, APPF, ASEP, APF…
Chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhằm đánh giá thực chất về kết quả thực hiện các Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội Việt Nam và Lào nhiệm kỳ 2017 – 2022 và ký các Thỏa thuận tác mới giữa hai Quốc hội; trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và phối hợp giám sát triển khai thực hiện pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án hợp tác đầu tư phục vụ cho việc khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội của cả hai nước sau đại dịch COVID-19.
Theo Baodautu