Ngày 25/5/2021, Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đặc biệt lần thứ 2 về đại dịch COVID-19 với sự tham dự của lãnh đạo 24 chính đảng đến từ 18 nước châu Á, đại diện của Hội nghị thường trực các chính đảng Mỹ La tinh và Caribbean (COPPPAL) và một số tổ chức quốc tế.
Đoàn đại biểu Lào tham dự hội nghị dẫn đầu bởi ông Somphone Sichaleun, Phó trưởng Ban Đối ngoại TƯ. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến, với 2 chủ đề chính là “Phát triển hiệu quả phản ứng với Covid-19 ở cấp khu vực và quốc tế” và “Tiến tới đạt được sự phục hồi toàn diện kinh tế trong môi trường hậu Covid-19”.
Tại Hội nghị, trưởng đoàn đại biểu Lào đã đóng góp ý kiến, nêu bật nỗ lực và trách nhiệm chung của các quốc gia trong khu vực châu Á và toàn thế giới trong việc ngăn chặn, kiểm soát và xử lý sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Về việc phòng chống dịch Covid-19 tại Lào, đảng, chính phủ Lào đã xây dựng và lãnh đạo triển khai thực hiện chính sách và biện pháp ngay từ đầu, với việc coi lợi ích và sự an toàn của người dân là mục tiêu hàng đầu. Ngoài ra, Lào cũng nhận được hợp tác và hỗ trợ cả về vật chất cũng như tinh thần kịp thời từ các nước bạn bè, góp phần to lớn vào nỗ lực phòng chống và kiểm soát dịch bệnh trong nước. Đảng và Chính phủ Lào cũng đang đặt mục tiêu tiêm chủng ít nhất cho 22% dân số trong năm 2021 này.
Hội nghị đã thảo luận về kinh nghiệm phòng chống đại dịch COVID-19 và vai trò của các chính đảng. Các đại biểu tham dự Hội nghị nhất trí rằng tất cả mọi người dân ở tất cả các nước không phân biệt giàu nghèo phải được tiếp cận công bằng với các công cụ phòng chống COVID-19 như vaccine cùng các phương pháp chẩn đoán và điều trị. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự cộng tác giữa khu vực công và tư trong các lĩnh vực xét nghiệm, truy vết và chữa trị.
Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế giữa các chính đảng trong thúc đẩy hợp tác giữa các nước và các tổ chức quốc tế để cải thiện khả năng phản ứng khẩn cấp và tăng cường năng lực của hệ thống y tế công cộng. Đối với quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, các đại biểu tham dự Hội nghị đều nhất trí về sự cần thiết của việc chuẩn bị và thích ứng với viễn cảnh kinh tế hậu COVID-19, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong và sau giai đoạn suy thoái kinh tế, cũng như giúp đỡ các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội.
Tổng hợp