Các nhà kinh tế và doanh nghiệp đánh giá Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế của Lào hơn cả những gì khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã gây ra.
Khởi phát ở Mỹ, khủng hoảng tài chính lan rộng ra châu Âu và toàn thế giới bởi các vấn đề tín dụng và quản lý rủi ro kém của khu vực ngân hàng. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến khủng hoảng kinh tế và y tế, gây ra thiệt hại lớn về người và ảnh hưởng mạnh đến sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo nhà kinh tế độc lập Mana Southichak, cho biết năm 2008, khủng hoảng xuất phát từ khu vực ngân hàng, tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch, ngân hàng đang là một phần của giải pháp của nỗ lực phục hồi kinh tế.
Khủng hoảng tài chính năm 2008 tại Lào đã khiến đầu tư nước ngoài và lĩnh vực du lịch giảm mạnh, đồng thời khiến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Lào là quặng và cao su mất giá, ông Mana cho biết. Tuy nhiên, năm nay, đại dịch Covid-19 đã khiến số khách đến Lào gần như là không có trong vài tháng trở lại đây do lệnh đóng cửa các biên giới của chính phủ.
Kể từ 30/3, chính phủ Lào quyết định phong tỏa biên giới và áp dụng chế độ cách ly toàn xã hội, không cho phép người dân ra đường với lý do không thiết yếu.
Điều này khiến nền kinh tế bị chững lại đột ngột, nhiều nhà máy phải đóng cửa khiến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự, khiến việc sản xuất và xuất khẩu đình trệ, làm ảnh hưởng vai trò của Lào trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Ngoài ra, hàng trăm nghìn người lao động Lào trở về từ Thái Lan, đẩy tỷ lệ thất nghiệp từ 2% lên 25%.
Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Lào (LNCCI) Valy Vetsaphong mới đây cũng nhận định tác động của Covid-19 lên kinh tế Lào là nặng nề hơn cả khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra cách đây 12 năm.
Bà Valy cho biết Covid-19 đã tác động tiêu cực đến lĩnh vực xuất khẩu và du lịch, làm giảm nguồn thu của Lào.
Trong quá khứ, kinh tế Lào cũng lao đao vì khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1998), khi lĩnh vực đầu tư và xuất khẩu chịu thiệt hại nặng nề nhất, khi hàng loạt nhà đầu tư rút khỏi các dự án tại nước này, kết hợp với việc đình trệ dòng xuất khẩu gỗ sang Thái Lan khiến đồng nội tệ thời điểm đó giảm sâu xuống gần 10.000 Kip/USD.
Theo các chuyên gia, Ngân hàng CHDCND Lào đang sử dụng các bài học kinh nghiệm từ hai đợt khủng hoảng trước đây để không làm tỷ giá hối đoái biến động mạnh trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của nướ này đang ở mức thấp.
Đáng nói, so với năm 1997, du lịch chỉ chiếm tỷ trọng 14% GDP, hiện nay ngành này đang vươn lên là một trong các trụ cột kinh tế chính của Lào, chỉ đứng sau điện lực và khai khoáng, và đem lại nguồn thu lớn. Vì vậy, Lào sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức khi đại dịch Covid-19 có tác động dài hạn, đòi hỏi phải kết hợp giữa công tác phòng ngừa và biện pháp phục hồi hiệu quả nền kinh tế.
Tổng hợp