Ngày 1/1/2024, Lào chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2024. Đây là cơ hội để Lào quảng bá hình ảnh và nâng cao vai trò vị thế của đất nước, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có những diễn biến hết sức phức tạp và khó lường như hiện nay.
Kể từ khi gia nhập mái nhà chung ASEAN năm 1997, Lào từng hai lần đảm đương vai trò Chủ tịch ASEAN trong các năm 2004 và 2016 và có nhiều đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Để chuẩn bị cho lần đảm đương cương vị Chủ tịch ASEAN này, ngay từ năm 2021, Lào đã lập 14 tiểu ban phụ trách tất cả các đầu việc liên quan và soạn thảo chương trình nghị sự nhiệm kỳ.
Trong lần thứ ba giữ chức Chủ tịch ASEAN, Lào sẽ tập trung thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường kết nối và năng lực tự cường của ASEAN đúng như chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2024 mà Lào công bố.
Phát biểu tại lễ chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN từ Indonesia vào tháng 9/2023, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ phát huy những thành tựu trong năm Chủ tịch ASEAN của Indonesia và những thành công của ASEAN trong những năm trước đây. Chúng tôi sẽ tập trung hơn vào việc củng cố Cộng đồng ASEAN và các lĩnh vực khác, tăng cường kết nối và sẽ nỗ lực để nắm bắt cơ hội, giải quyết các thách thức và những thay đổi về địa chính trị, địa kinh tế”.
Chia sẻ với các phóng viên trong cuộc họp báo gần đây về những cơ hội và thách thức của Lào trong năm Chủ tịch ASEAN 2024, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith cho biết sở dĩ Lào chọn chủ đề “Thúc đẩy kết nối và tự cường” là do chủ đề này phù hợp với tình hình ở khu vực và thế giới hiện tại. “Kết nối” không chỉ phù hợp với Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN mà hiệp hội đang triển khai nói chung, mà còn góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của Đảng, Nhà nước Lào trong việc chuyển Lào từ một quốc gia không có biển thành quốc gia kết nối khu vực nói riêng. Trong bối cảnh cạnh tranh trên thế giới ngày càng gay gắt, việc ASEAN tăng cường tính tự cường cũng rất quan trọng vì nếu không tự cường, ASEAN không đoàn kết trên dưới một lòng, chắc chắn vai trò của ASEAN trên trường quốc tế và khu vực sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Phó Thủ tướng Lào, việc đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN sẽ đem đến cho Lào cơ hội để quảng bá các chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Lào, cũng như chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế xã hội giữa Lào với các nước trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để Lào phát huy vai trò dẫn dắt ASEAN và nâng cao vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, việc đảm nhiệm trọng trách này cũng tạo điều kiện để Lào quảng bá hình ảnh đất nước và thu hút thêm du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là một phần lý do Lào chọn năm 2024 là Năm Du lịch Lào với kỳ vọng sẽ thu hút ít nhất 4,6 triệu lượt du khách, nhằm góp phần phục hồi và thúc đẩy kinh tế, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân, thực hiện chương trình nghị sự quốc gia về giải quyết các khó khăn kinh tế mà Lào đã đề ra.
Đề cập các thách thức, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith cho biết trong bối cảnh thế giới đang diễn ra cuộc cạnh tranh địa chính trị và địa kinh tế gay gắt như hiện nay, năm 2024 sẽ khác nhiều so với năm 2016 khi Lào làm Chủ tịch ASEAN lần thứ hai. Thách thức tại ASEAN hiện nay là vấn đề Myanmar, trong khi ở cấp độ khu vực là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Biển Đông và nhiều vấn đề khác. Ở cấp độ thế giới là vấn đề Ukraine, xung đột ở Trung Đông… Toàn cầu vừa thoát khỏi đại dịch COVID-19, rất nhiều quốc gia vẫn đang trong quá trình phục hồi, trong khi tình hình kinh tế thế giới vẫn có nhiều dấu hiệu không khả quan. Việc giải quyết các tác động của dịch COVID-19; phục hồi chuỗi cung ứng, thương mại, đầu tư và sự kết nối giữa người dân với nhau là những nhiệm vụ chính, tất cả đều cần phải giải quyết.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith, đó là những thách thức có thể nhìn thấy trước của Lào trong Năm Chủ tịch ASEAN 2024. Làm thế nào để cân bằng được những vấn đề nói trên và làm thế nào để có thể duy trì được sự đoàn kết của tất cả các thành viên ASEAN là thách thức không nhỏ.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2024, Lào cũng sẽ cùng các nước thành viên đẩy mạnh hợp tác trong cả 3 trụ cột của Cộng đồng, nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa và tiểu vùng, thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng, hội nhập kinh tế và giao lưu nhân dân; duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, đồng thời tăng cường quan hệ với các đối tác. Đề cập tới vấn đề này trong cuộc họp báo nói trên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith nhấn mạnh chỉ có gắn kết, tăng cường hợp tác giữa các thành viên ASEAN và các nước đối tác, đối thoại mới có thể giải quyết được những thách thức hiện tại và mới nổi một cách hiệu quả.
Lào sẽ tổ chức hàng loạt sự kiện, trong đó các hoạt động quan trọng nhất là hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45, các hội nghị cấp cao liên quan. Với kinh nghiệm tích lũy từ hai lần đảm đương cương vị Chủ tịch ASEAN trước đó, cùng sự hỗ trợ của tất cả các nước thành viên ASEAN, các đối tác đối thoại và các đối tác bên ngoài khác, Lào tự tin sẽ dẫn dắt ASEAN vượt qua mọi thách thức, hoàn thành sứ mệnh kết nối và tự cường; tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển ổn định, bền vững và tăng trưởng của khu vực; đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các nước nước đối tác, đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực và thế giới.
Theo TTXVN