Chính phủ Lào phải thực hiện biện pháp cơ cấu bộ máy hành chính để tiết kiệm chi tiêu công trong bối cảnh đối mặt với căng thẳng ngân sách kinh niên.
Việc tái cơ cấu của chính phủ Lào thực hiện vài năm qua càng trở nên cần thiết để giảm thiểu chi ngân sách khi nền kinh tế đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến khả năng thu ngân sách giảm.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào Khammoune Viphongxay hôm 7/8 cho biết chi tiêu cho hoạt động hành chính công của Lào đang cao docác cơ quan nhà nước có cơ cấu lớn và sử dụng quá nhiều công chức. Vì vậy, theo chính sách, các cơ quan có vai trò tương tự nhau sẽ được hợp nhất.
Ông Khammoune cũng cho biết trong vài năm trở lại đây, các Bộ, ngành đã và đang xem xét sáp nhập và tinh gọn bộ máy nhằm phù hợp với chính sách nhà nước. Hành động này sẽ làm giảm số lượng cán bộ công chức, từ đó giảm quỹ ngân sách chi cho hoạt động mua sắm và chi trả tiền lương.
Một trong các thách thức của chính sách tái cơ cấu bộ máy của Lào là các Bộ ngành thường đề xuất mở văn phòng tại địa phương để tăng cường phối hợp trong việc triển khai dự án. Bên cạnh đó, một số huyện cũng thành lập các phòng ban chức năng không cần thiết với cấp độ địa phương này, trong khi một số Bộ cũng tự thành lập các cơ quan trực thuộc mới, tăng số lượng sử dụng nhân sự nhưng không thực sự cần thiết, theo đánh giá của Chính phủ.
Theo Chỉ thị 03 về cơ cấu bộ máy hành chính của Thủ tướng Lào ban hành năm 2018, quy định chính quyền các huyện không được có cơ cấu bộ máy giống Trung ương nhằm làm giảm chi tiêu ngân sách. Các cấp đảng ủy cũng được yêu cầu xem xét và quy hoạch lại cơ cấu cũng như nhu cầu chi tiêu phù hợp theo vai trò và nghĩa vụ của mình.
Trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, Chính phủ Lào gặp khó khăn về tài chính do khả năng thu ngân sách hạn chế và ảnh hưởng từ sự suy thoái của kinh tế thế giới.
Thống kê năm 2018 cho thấy Lào có khoảng 184.000 công chức, chiếm 2.8% tổng dân số, xếp thứ 9/10 trong khu vực Asean tính theo bình quân đầu người.
Vì vậy, trong vài năm trở lại đây, Chính phủ Lào thường cắt giảm hạn ngạch cán bộ mới nhằm giảm số lượng công chức, từ 3.000 chỉ tiêu trong năm 2018 xuống còn 1.500 vào năm 2019 và khoảng 2.000 chỉ tiêu vào năm 2020.
Tổng hợp