Lao Asia Telecom, một doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, sẽ đại diện Chính phủ Lào tham gia liên doanh quản lý và phát triển cảng biển Vũng Áng ở tỉnh Hà Tĩnh của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lào Phouvong Kittvong phát biểu tại buổi lễ
Ngày 23/8 vừa qua tại thành phố Vientiane, Bộ Tài chính Lào tổ chức lễ ký hợp đồng liên doanh và uỷ nhiệm Lao Asia Telecom (LAT) là đại diện Chính phủ Lào tham gia giữ cổ phần tại liên doanh Công ty Cổ phần Cảng Quốc tế Lào-Việt Nam (VLP), đơn vị quản lý và phát triển cảng Vũng Áng 1, 2 và 3 ở tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Tài chính Lào ông Phouvong Kittavong; Thượng tướng, GSTS Vongkham Phommakone, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào; Thứ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào ông Litta Khattiya; Thiếu tướng Oulaha Thongchanhtha, Giám đốc Công ty Lao Asia Telecom; Phó Chủ tịch Uỷ ban Hợp tác Lào Việt Nam ông Viengsavanh Phonvilay; về phía các cơ quan Việt Nam, có sự tham dự của bà Vương Thị Xuân Thuỷ, Phó trưởng Phòng Kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, cùng các lãnh đạo, cán bộ chức năng ban ngành liên quan.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Tài chính Lào Phouvong Kittvong, khẳng định vai trò và tầm quan trọng của liên doanh Cảng Vũng Áng, một món quà mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Chính phủ Việt Nam tặng cho nhân dân Lào nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển và lợi ích chung của hai nước. Đây là cảng mang tính biểu tượng của mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa Lào và Việt Nam. Theo đó, Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận về việc sử dụng cảng Vũng Áng từ năm 2001, dẫn đến sự ra đời của Công ty TNHH Phát triển cảng Vũng Áng Lào tại Lào, với nhiều cổ đông từ cả khu vực công và tư nhân, để tham gia liên doanh nói trên.
Vào năm 2015, Chính phủ đã đồng ý chuyển quyền sở hữu Công ty TNHH Phát triển Cảng Vũng Áng Lào (là công ty con) cho Doanh nghiệp Nhà nước Lào dịch vụ hàng hóa quá cảnh (LLSE) và đổi tên thành Doanh nghiệp Nhà nước dịch vụ Cảng Vũng Áng Lào do Bộ Tài chính là cổ đông duy nhất với tư cách là đại diện chính phủ Lào, nắm giữ 20% cổ phần tại Công ty Cổ phần cảng Vũng Áng Lào-Việt (VLP). Đến năm 2019, Chính phủ đã đồng ý thành lập một doanh nghiệp nhà nước mới để thay thế doanh nghiệp Nhà nước dịch vụ Cảng Vũng Áng Lào là doanh nghiệp nhà nước phát triển cảng Vũng Áng Lào- Việt Nam (tại Lào) là liên doanh giữa Bộ Tài chính nắm giữ 51% cổ phần và công ty Thương mại Dầu khí Lào (Petro Trade) nắm giữ 49% cổ phần. Đây cũng là việc nhằm đảm bảo thực hiện hiệp định giữa Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam về hợp tác đầu tư phát triển cảng Vũng Áng 1, 2 và 3, ngày 6/12/2020, phía Việt Nam đồng ý tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần cho phía Lào từ 20% lên 60%.
Đến năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính thành lập doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thay doanh nghiệp Nhà nước phát triển cảng Vũng Áng Lào-Việt Nam theo chủ trương của Chính phủ hai nước tại Kỳ họp Uỷ ban hợp tác liên Chính phủ Lào – Việt Nam lần thứ 45 về việc xem xét đưa các công ty hoàn toàn của nhà nước có tiềm lực, sẵn sàng về tài chính, kỹ thuật chuyên môn vào liên doanh với phía Việt Nam. Để thực hiện đúng chủ trương của hai Đảng, Nhà nước Lào-Việt Nam, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bên liên quan và tổ chức họp bàn với Công ty Thương mại Dầu khí Lào để giải thể doanh nghiệp Nhà nước phát triển cảng Vũng Áng Lào-Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ Lào nghiên cứu lấy doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tiếp tục tham gia quản lý, phát triển Cảng Vũng Áng với phía Việt Nam. Trong thời gian đầu, Chính phủ Lào nghiên cứu lấy doanh nghiệp Nhà nước vận tải đường bộ-đường thủy nhưng nhận định đây là doanh nghiệp còn non trẻ, chưa đáp ứng tiêu chí và chưa sẵn sàng về vốn cũng như nguồn nhân lực. Vì vậy, qua nhiều lần nghiên cứu và thống nhất lấy Doanh nghiệp nhà nước Lao Asia Telecom để tham gia liên doanh.
Lễ ký kết uỷ nhiệm giữa Bộ Tài chính Lào và Asia Telecom để tham gia liên doanh phát triển Cảng Vũng Áng
Để tiếp tục hoàn thiện và kiện toàn cơ cấu tổ chức, quản lý và vận hành theo tinh thần nâng tỷ lệ cổ phần cho phía Lào từ 20% lên 60% trong Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào – Việt như lãnh đạo hai bên đã nhất trí, Thủ tướng Lào cũng đã có Quyết định về việc thành lập Uỷ ban đặc trách phía Lào để phối hợp làm việc với Việt Nam, lễ ký kết uỷ nhiệm lần này là một trong những bước tiến quan trọng để làm cơ sở cho phía Lào xây dựng lộ trình làm việc và đàm phán với Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Tài chính Phouvong Kittivong, liên doanh quản lý và phát triển cảng Vũng Áng sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn cho Lào, bao gồm nguồn thu đáng kể cho ngân sách, triển vọng hưởng lợi từ các dự án, hoạt động liên quan như dự án đường sắt Lào – Việt Nam, hoạt động cung cấp dịch vụ lưu giữ hàng hóa vận chuyển qua cảng, đặc biệt là việc tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Lào được tiếp cận đường biển để xuất khẩu đi các nước; Phục vụ vận chuyển vật tư, thiết bị trong lĩnh vực quốc phòng, bảo vệ an ninh với khoảng cách ngắn hơn, thuận tiện hơn, tiết kiệm ngân sách vận chuyển và có kho bảo quản an toàn; Bên cạnh đó, các cán bộ nhân sự phía Lào có bài học, kinh nghiệm từ việc tham gia quản lý cảng Vũng Áng cùng với phía Việt Nam;
Việc tạo điều kiện để Chính phủ Lào sử dụng cầu cảng Vũng Áng 1, 2, 3 là chủ trương của Việt Nam nhằm giúp nước bạn có điều kiện phát triển lâu dài. Qua đó, giúp Lào từ một nước không có biển trở thành một nước có đường ra biển. Đó là sự thể hiện rõ nét tình cảm đặc biệt tin cậy và chí nghĩa chí tình giữa những người đồng chí, láng giềng hữu nghị Lào – Việt Nam. Sau hơn 20 năm chính thức đưa vào khai thác, cầu cảng số 1, số 2 do Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt làm chủ đầu tư đã phát huy tối đa công suất, đóng góp lớn vào sự phát triển của doanh nghiệp cũng như quá trình phát triển KT-XH của hai nước Việt – Lào.
Nằm cách 145 km từ biên giới Napao-Chalo giữa tỉnh Khammuan của Lào và Việt Nam, cảng có vị trí thuận lợi để phục vụ như một cửa ngõ giữa miền Trung Việt Nam, miền Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan. Trong tương lai, sự hình thành các dự án hạ tầng giao thông kết nối Lào và Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc vận chuyển hàng hóa qua Cảng Vũng Áng bao gồm từ khu vực Đông Bắc của Thái Lan đến các thị trường châu Á lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hong Kong như là một lựa chọn hiệu quả về chi phí. Trong khi đó, hàng hóa đến các thị trường Đông Nam Á cũng sẽ được xếp dỡ hiệu quả hơn, cho phép hàng hóa của các nước Đông Nam Á tiếp cận thị trường châu Âu thông qua hệ thống đường sắt liên kết Đường sắt Lào-Trung
Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích thiết thực, mở ra cơ hội không chỉ cho Việt Nam và Lào có thể khai thác tối đa thế mạnh của mỗi nước mà còn tăng cường kết nối giữa 2 nước với các nước trong khu vực. Đồng thời, thúc đẩy kinh tế Lào tăng trưởng thông qua phát triển các lĩnh vực giao thông vận tải, rộng đường ra biển, trở thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa các nước trong khu vực và quốc tế. Qua đó, góp phần đưa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước tương xứng với hợp tác về chính trị. Điều này cũng cho thấy lòng tin chiến lược đặc biệt chỉ có giữa Việt Nam và Lào và tình hữu nghị Việt – Lào mãi mãi sắt son, đời đời bền vững./.