“ASEAN cần hợp tác, đoàn kết cùng nhau để giữ gìn được vai trò trung tâm của ASEAN, kiên định với cách thức tổ chức thực hiện công việc của ASEAN, đặc biệt là bảo vệ nguyên tắc đồng thuận và các nguyên tắc khác đã đề ra trong Hiến chương ASEAN”.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM Lào Thongphane Savanphet trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên TTXVN tại Lào ngày 25/10, nói về những thách thức lớn mà ASEAN đang phải đối mặt trước thềm các hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 cùng các hội nghị cấp cao liên quan sẽ diễn ra từ ngày 26 – 28/10 tới theo hình thức trực tuyến.
Theo ông Thongphane Savanphet, khu vực ASEAN cũng như thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, gây ảnh hưởng lớn không chỉ đến đời sống của nhân dân mà còn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của từng nước cũng như khu vực. ASEAN đã hợp tác chặt chẽ để đối phó với sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Đến nay, tình hình dịch bệnh chưa có xu hướng chấm dứt, song điều quan trọng nhất là cách thức các nước ASEAN đối phó với dịch bệnh và khôi phục kinh tế sau đại dịch. Bên cạnh đó, vấn đề sản xuất đủ vaccine để phân phối đều khắp cũng đang là thách thức lớn nhất đối với khu vực và thế giới, bởi đến thời điểm hiện tại, ASEAN vẫn chưa có đủ nguồn cung vaccine, trong khi chưa có thuốc điều trị căn bệnh này. Ngoài ra, còn có vấn đề cung cấp thiết bị y tế, thuốc thang cho công tác phòng chống, chữa trị và xét nghiệm dịch bệnh, điều hiện còn rất thiếu trên thế giới.
Do đó, ông Thongphane Savanphet nhấn mạnh rằng nội bộ ASEAN cần phải hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là trong cung cấp đầy đủ và đều khắp vaccine ngừa COVID-19, trong đó, những nước ASEAN có thế mạnh cần cố gắng nghiên cứu, phát triển để có thể sản xuất vaccine ở một nước trong khối.
Về khôi phục kinh tế, Trưởng SOM Lào cho biết trong thời gian qua, ASEAN đã rất nỗ lực, đặc biệt là xây dựng khuôn khổ khôi phục kinh tế trong khu vực hoặc thảo luận về hàng lang đi lại cho các doanh nhân và người dân. Hiện, một số nước thành viên ASEAN đã bắt đầu thông báo về việc nới lỏng các biện pháp cho phép đi lại bởi đại dịch đã ảnh hưởng lớn tới kinh tế của mỗi nước. Nếu khả thi, các nước sẽ tập trung mở cửa cho người dân và các doanh nhân đi lại. Đây là một trong những thách thức lớn hiện nay của ASEAN cùng với các thách thức khác như thiên tai và vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là cạnh tranh giữa các cường quốc có ảnh hưởng đến ASEAN như chiến tranh thương mại hay bất ổn an ninh trong khu vực ASEAN và các khu vực khác trên thế giới.
Do vậy, ông Thongphane Savanphet cho rằng ASEAN cần hợp tác, đoàn kết cùng nhau để gìn giữ vai trò trung tâm của ASEAN, kiên định với cách thức tổ chức thực hiện công việc của ASEAN, đặc biệt là bảo vệ nguyên tắc đồng thuận và các nguyên tắc khác đã đề ra trong Hiến chương ASEAN.
Theo Trưởng SOM Lào, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 và các hội nghị cấp cao liên quan lần này sẽ thảo luận nhiều vấn đề bao trùm mọi lĩnh vực của ASEAN, như phương thức đối phó với đại dịch COVID-19, khôi phục kinh tế sau đại dịch, vấn đề Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, cũng như những vấn đề nội bộ của ASEAN. Bên cạnh đó, ASEAN sẽ cùng thảo luận với các nước ngoài khu vực về cách thức hợp tác – một trong những vấn đề quan trọng của ASEAN trong nỗ lực xây dựng sự vững mạnh trong lĩnh vực kinh tế – xã hội và các lĩnh vực khác, cũng như bảo vệ an ninh khu vực.
Dự kiến, Hội nghị sẽ ra Tuyên bố hợp tác trong đối phó với thiên tai trong khu vực ASEAN để các nước thành viên có thể hỗ trợ lẫn nhau hướng tới việc thành lập Quỹ cùng đối phó với thiên tai; Tuyên bố về nền kinh tế xanh; Tuyên bố về hợp tác đa phương để thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác giữa các nước nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu…
Theo TTXVN