Chính phủ Lào tiếp tục tìm kiếm các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao tại Lào do những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Hiện nhu cầu cần lao động Lào tại các nước, đặc biệt là Thái Lan cũng giảm mạnh, dẫn đến một lượng không nhỏ người lao động Lào quay trở về nước cũng góp phần nâng tỷ lệ thất nghiệp lên cao.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Lào có thể lên tới 25% trong năm 2020.
Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào mới đây cho biết, đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm hỗ trợ lao động Lào; đặc biệt là những lao động đang không có việc làm do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Các biện pháp Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào khẩn trương tiến hành là tổ chức các hội chợ giới thiệu việc làm, khuyến khích việc đăng ký việc làm qua mạng, củng cố hệ thống dữ liệu, thông tin về việc làm để có thể đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động cũng như của người lao động đang tìm kiếm việc làm.
Theo Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Khampheng Saysompheng, để bảo vệ người lao động, trước mắt sẽ tập trung vào việc bảo vệ những quyền lợi của người lao động tại các đơn vị kinh tế, nhưng không có việc làm do ảnh hưởng của Covid-19 như bảo vệ các quyền lợi của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; đưa ra các quy định liên quan bảo vệ người lao động như quy định mức thu nhập tối thiểu cho người lao động khi không có việc làm.
Trước mắt, sẽ tăng cường bổ sung thông tin về tình trạng việc làm của người lao động, đặc biệt là người lao động Lào bị mất việc làm tại các nước láng giềng và nhập cảnh Lào sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Số liệu mới nhất cho biết, từ ngày 20-3 đến ngày 15-6, đã có 117.843 người nhập cảnh vào Lào, trong đó đa số là người Lào. Riêng số lượng lao động Lào mà nhà nước quản lý được, nhập cảnh từ Thái Lan là 56.852 người. Hiện nay, mỗi ngày có tới hàng trăm lao động Lào ở Thái Lan tiếp tục nhập cảnh Lào.
Mặc dù hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại Lào đã bắt đầu hoạt động trở lại, tuy nhiên so với trước khi có dịch bệnh Covid-19, nhu cầu lao động giảm nhiều. Một số dự án kinh tế của nước ngoài đầu tư tại Lào cũng bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng một số chưa thể hoạt động như trước khi có dịch bệnh Covid-19. Số lao động trong nước không có việc làm vì vậy tăng lên, cộng với số lượng lao động Lào từ các nước trở về đã gây ra tình trạng thất nghiệp tạm thời ở mức tương đối cao.
Số liệu của Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đánh giá, tỷ lệ thất nghiệp khoảng 9,4% trong năm 2011, có thể tăng lên 25% trong năm nay và năm 2021.
Ngoài việc đẩy mạnh các biện pháp trong nước nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, Lào cũng đang tìm kiếm hợp tác với các nước nhận lao động Lào trước đây để có thể đưa lao động trở lại trong thời gian sớm nhất có thể, như sửa đổi một số quy định về nhập khẩu lao động phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế về lao động và dịch vụ việc làm, nhằm xem xét về các tiêu chuẩn, quy định mới đối với hoạt động xuất khẩu lao động nhưng vẫn phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Hiện kinh tế Lào đang bị ảnh hưởng rất nặng nề do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Chính phủ Lào đánh giá kinh tế Lào năm 2020 tăng trưởng từ 3 đến 3,6%, chỉ bằng một nửa so mức dự kiến đưa ra hồi cuối năm 2019 là 6,5%.
Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế thì năm 2020, nền kinh tế Lào chỉ tăng trưởng khoảng 1% và có thể tăng trưởng âm nếu dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại tại Lào cũng như trong khu vực.
Theo Nhân dân điện tử