Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào đồng chủ trì Hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới với Bộ Công Thương Lào theo cơ chế đã được chính phủ hai nước thống nhất, chiều 11/4, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đến chào xã giao Thủ tướng Lào Phankham Viphavan.
Tham dự buổi tiếp còn có Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Davong Phonekeo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Khampheng Xaysompheng, cùng các quan chức đại diện cho Bộ Công Thương hai nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trân trọng chuyển tới Thủ tướng Lào lời thăm hỏi và lời chúc Tết cổ truyền của dân tộc Lào của đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nước CHXCN Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết kinh tế thế giới, khu vực đang gặp rất nhiều khó khăn do căng thẳng thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, gián đoạn chuỗi cung ứng và chuỗi vận tải, lạm phát tăng cao. Tình trạng trên có nguy cơ tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam và Lào. Trong bối cảnh khó khăn đó, Việt Nam và Lào càng cần phải gắn kết chặt chẽ hơn nữa, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, cùng phát triển.
Báo cáo với Thủ tướng Phankham Viphavan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết ngay trước khi đoàn Bộ Công Thương đi Lào, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai Thỏa thuận cấp cao Việt Nam – Lào năm 2022 vào ngày 7/4. Trong Hội nghị, đồng chí Thường trực Ban Bí thư đã quán triệt đến từng bộ, ngành, địa phương về nội dung cũng như yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả tất cả các thỏa thuận giữa Việt Nam và Lào.
Chuyến công tác của Bộ trưởng Công Thương sang Viêng Chăn lần này cũng là để triển khai ngay các nội dung hợp tác song phương mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng. Bên cạnh việc đồng chủ trì Hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Lào lần thứ XII, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng có các cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào để thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng, khoáng sản; chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Lào nhằm nắm bắt nhu cầu hợp tác đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp hai bên trong các lĩnh vực năng lượng và khoáng sản; Thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án điện tại Lào nhằm tăng cường mua bán điện giữa hai nước; Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng nguyên vật liệu trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng báo cáo Thủ tướng Phankham Viphavan về kết quả cũng như đề xuất định hướng hợp tác song phương thời gian tới trong lĩnh vực thương mại, năng lượng và khoáng sản.
Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Lào thời gian qua phát triển mạnh mẽ, ngay cả trong đại dịch COVID-19. Cụ thể, kim ngạch ngạch thương mại Việt Nam – Lào năm 2021 đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020, vượt chỉ tiêu lãnh đạo cấp cao giao (10%). Đây là mức tăng trưởng rất đáng khích lệ, không những so với thương mại Việt – Lào các năm trước đây mà so với cả tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực.
Trong lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng nhận định Việt Nam và Lào còn nhiều dư địa để phát triển quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực điện. Với quy mô dân số lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, nhu cầu sử dụng điện cao, đặc biệt, với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững. Xuất phát từ đây và nhu cầu hợp tác của hai bên, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển các dự án thủy điện, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào vào năm 2016 và Hiệp định Hợp tác phát triển các công trình năng lượng, điện và mỏ năm 2019.
Tới thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ Lào. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ký kết 18 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện của 23 dự án. Nguồn điện từ thủy điện của Lào là nguồn ổn định, không phụ thuộc thời tiết, khí hậu nên không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 mà còn có thể sử dụng như điện “nền”, giúp Việt Nam khắc phục biến thiên công suất của một số nguồn năng lượng tái tạo, từ đó thúc đẩy chuyển đổi xanh nhanh và mạnh hơn nữa tại Việt Nam.
Để tăng cường hợp tác cung ứng điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã hội đàm và nhất trí triển khai một số biện pháp như: phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án đường dây truyền tải, liên kết lưới điện giữa hai nước; nghiên cứu tính toán nhu cầu, các giải pháp kỹ thuật và thương mại trong liên kết lưới điện để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; và nghiên cứu, báo cáo Chính phủ hai nước xem xét tăng lượng điện cung ứng phù hợp với nhu cầu và năng lực của hai bên. Các khía cạnh môi trường cũng cần được quan tâm thấu đáo trong quá trình hợp tác cung ứng điện.
Một lĩnh vực khác còn rất nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước là lĩnh vực khoáng sản. Việt Nam và Lào còn nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, và thương mại khoáng sản nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng nguyên vật liệu trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới. Đặc biệt, sau khi Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, một số doanh nghiệp Lào đã bày tỏ sẵn sàng hợp tác cung ứng than dài hạn, ổn định cho Việt Nam để phục vụ nhu cầu sản xuất điện, đạm cũng như hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực khai thác các mỏ sắt, vàng, măng-gan và silicon. Ngay sau các cuộc làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương, một Tập đoàn lớn của Việt Nam đã đạt được những tiến triển rất khích lệ trong việc mua khoảng 500.000 tấn than đá từ Lào. Một tập đoàn khác cũng đang tích cực đàm phán để mua một lượng lớn quặng sắt từ Lào.
Thủ tướng Lào đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, Bộ Công Thương Lào thời gian qua, khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Lào luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Việt Nam; bày tỏ cảm ơn chân thành Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã luôn dành cho Lào sự hợp tác và hỗ trợ quý báu trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Thủ tướng đề nghị ba bộ tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm; tập trung tìm các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hai nước để nâng cao hiệu quả hợp tác về thương mại, năng lượng và khoáng sản phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của mỗi nước.
Cuối buổi tiếp kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cùng khẳng định quyết tâm đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch hợp tác theo định hướng và cam kết giữa hai Chính phủ, phấn đấu đạt được những kết quả tích cực về thương mại, mua bán điện và khoáng sản ngay trong năm 2022, năm kỷ niệm 60 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (5/9/1962 – 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977 – 18/7/2022).
Theo TTXVN