Ngành công nghiệp may mặc Lào bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid – 19 do đơn đặt hàng nước ngoài giảm.
Ông Xaybandith Raxavong, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc tại Lào, cho biết hiện có hơn 80 nhà máy may là thành viên của hiệp hội. Trong số đó, hơn 50 nhà máy xuất khẩu, các nhà máy còn lại phần lớn là nhận đơn hàng từ các nhà máy xuất khẩu. ” Số lượng công nhân quay trở lại sản xuất hiện nay mới chỉ là 4000, trong số hơn 26.000 người”, ông này cho biết thêm.
Theo ông Xaybandith, số lượng công nhân làm việc trong ngành may mặc là khoảng 26-30 nghìn, việc không có số liệu chính xác là do vấn đề lao động và di cư lao động trong nước chưa ổn định.
Bên cạnh đó, hầu hết các khoản đầu tư vào ngành may mặc tại Lào chủ yếu là của nước ngoài, doanh nghiệp Lào chỉ chiếm khoảng 15%. Thị trường xuất khẩu chính của hàng may mặc Lào bao gồm EU, chiếm 75 – 80%, Mỹ, chiếm 8 – 10%, v.v. Tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2018 đạt hơn 180 triệu USD, trong khi con số 2019 vẫn chưa được công bố.
Năm 2020, do sự bùng phát dịch Covid-19 khiến nguồn nhập khẩu nguyên liệu không ổn định, vì vậy, vào thời điểm tháng 2, nhiều nhà máy may mặc tại Lào chỉ đạt khả năng vận hành khoảng 70 – 80%. Đến tháng 3, sản lượng tiếp tục giảm và hoàn toàn đình trệ trong tháng 4, sau khi Chỉ thị 06/TTg do Thủ tướng Chính phủ Lào ban hành hôm 29/3.
” Sau khi chính phủ nới lỏng một số biện pháp, một số nhà máy muốn sản xuất phải xin giấy phép đặc biệt, trong đó phải đảm bảo đầy đủ 9 điều kiện và 6 biện pháp phòng ngừa theo nội dung Quyết định 31/VPTTg”, ông Xay cho biết. Các nhà máy muốn hoạt động trở lại phải vượt qua vòng kiểm tra nghiêm ngặt của Ủy ban chuyên trách về phòng ngừa dịch Covid-19, đặc biệt, phải bố trí nơi ở tập trung cho công nhân. Vì vậy, mới chỉ có 18 đơn vị đạt đầy đủ điều kiện để nối lại dây chuyền trong thời gian này.
Theo ông Xay, các nhà máy phải đảm bảo nguyên tắc vệ sinh dịch tễ tại khu vực nghỉ của công nhân, bao gồm việc đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, giảm số người trong cùng một phòng, đảm bảo giãn cách làm việc tối thiểu 1 – 1,5 mét.
Trong 5-10 năm trở lại đây, khả năng xuất khẩu hàng dệt may của Lào đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể, đặc biệt là đạt đỉnh 219 triệu USD trong năm 2011. Ngành dệt may Lào cũng đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động trong nước. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần đây, lượng xuất khẩu hàng dệt may của Lào đã giảm sút mạnh tới 17.8%.
Tính đến năm 2016, cả nước Lào có 85 nhà máy hoạt động liên quan đến lĩnh vực công nghiệp may mặc như sản xuất quần áo cho thị trường trong nước, xuất khẩu, in ấn thời trang, nhuộm, dệt, đóng gói sản phẩm… với tổng số khoảng 27 nghìn lao động, trong đó 99.5% là lao động nội địa và 95% là lao động nữ.
Giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Lào đang đứng trước thách thức do các nhà đầu tư Trung Quốc đang chuyển dần các đơn hàng sang Campuchia và Myanmar, những quốc gia có giá nhân công ngang với Lào nhưng hơn hẳn về chất và lượng.
Tổng hợp